Nông sản, thực phẩm dịp Tết: Nguồn cung dồi dào, không có hiện tượng “sốt giá”
Thitruongtaichinh - Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề cũng là thời điểm người tiêu dùng nhộn nhịp mua sắm nông sản, thực phẩm với số lượng lớn nhất trong năm. Hiện, các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường rất dồi dào, đa dạng, giá cả không có đột biến.
Nguồn cung và giá cả ổn định
Khảo sát của phóng viên tại các trang trại chăn nuôi, vùng trồng rau màu cho thấy, giá lợn hơi ổn định ở cả ba miền, dao động ở mức 51.000 - 57.000 đồng/kg. Giá rau xanh (tại ruộng) ít biến động với một số loại chủ yếu như: Bắp cải, cà chua, cải thảo 10.000 đồng/kg; bắp cải tím, bí đỏ 17.000 đồng/kg; bí xanh, cải bó xôi 20.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Hiền, hộ trồng hơn 3 mẫu rau ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, rau vụ Đông Xuân đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào khiến giá rau, củ nhanh chóng “hạ nhiệt" so với tháng trước nhưng lượng tiêu thụ tăng thêm 10 -15%.
Sẵn sàng nguồn cung thịt lợn an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Trọng Long cho biết, năm nay, giá thịt lợn tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết năm ngoái, nguồn cung khá dồi dào. Tính trung bình trong tháng Tết, hợp tác xã cung cấp từ 150 - 200 tấn thịt lợn cho thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Còn theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) Nguyễn Đình Thành, hiện giá thịt gà tăng nhẹ hơn ngày thường khoảng 5 - 10%, dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Năm nay, nguồn cung dồi dào nên thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, với nguồn cung cả năm 2023 khoảng 30,3 triệu con lợn thịt, ngành chăn nuôi sản xuất được hơn 7,8 triệu tấn thịt các loại. Sản lượng thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tăng 10 - 15%, tương đương khoảng 360.000 - 370.000 tấn/tháng vào dịp Tết. Bên cạnh đó, nguồn cung thị gia cầm cả nước và nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 195.000 tấn, trong đó chủ yếu là thịt gà.
Đối với mặt hàng rau, củ, quả, năm nay, vụ Đông toàn miền Bắc trồng hơn 400.000ha cây rau màu, trong đó, riêng rau các loại khoảng 200.000ha, sản lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Hiện, diện tích rau phục vụ dịp cuối năm và Tết còn khoảng 50.000ha, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn.
Sản xuất gắn với thị trường
Để đảm bảo bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, hầu hết các địa địa phương đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm đón Tết của người dân. Nhiều tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá, không để khan hiếm hàng dịp Tết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhằm bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, Hà Nội đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường phục vụ người dân. Cùng với đó, Hà Nội tăng cường phối hợp, kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn cung ổn định trong mọi tình huống.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương cần có giải pháp về phát triển sản xuất trong nước theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi; xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn để ổn định nguồn cung. Bên cạnh nguồn cung trong nước, cần mở rộng các thị trường quốc tế đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành tăng cường kiểm soát giá để không xảy ra tình trạng “sốt giá” cục bộ địa phương.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất, chế biến thêm nhiều sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu của Nhân dân.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024, Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã; đồng thời chỉ đạo các ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.