HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô

Túc Mạch

(Thị trường tài chính) - Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những địa danh như Hồ Hoàn Kiếm, Nhà Hát Lớn, Cột cờ Hà Nội, hay cầu Long Biên vẫn lưu giữ ký ức về một ngày lịch sử và trở thành những điểm đến nhắc nhở thế hệ sau về sự hy sinh và chiến thắng.

Ngày 10/10/1954 đã trở thành dấu mốc lịch sử vĩ đại của Hà Nội khi Thủ đô được giải phóng sau gần một thế kỷ dưới ách thực dân Pháp. Những di tích lịch sử này không chỉ là chứng nhân cho thời khắc trọng đại này, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, tinh thần bất khuất và khát vọng hòa bình của người dân Hà Nội.

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô - ảnh 1
Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trục đường Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng, là nơi cánh quân phía Nam của Đại đoàn 308 đi qua trong buổi sáng 10/10/1954 vào tiếp quản Thủ đô. Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày trọng đại 70 năm về trước.

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô - ảnh 2
Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội: Được xây dựng vào thời Pháp thuộc, đây là một trong những địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 10/10/1954, Nhà Hát Lớn là nơi vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ vào lúc 15h.

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô - ảnh 3
Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội (Kỳ Đài Hà Nội): Cột cờ Hà Nội, một trong những công trình kiến trúc cổ được bảo tồn tốt nhất của Thủ đô, đã trở thành biểu tượng chiến thắng khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh vào ngày Giải phóng. Đúng 15 giờ chiều ngày 10/10/1954, trong không khí hân hoan của đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn thuộc Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đây là buổi lễ chào cờ lịch sử đầu tiên, đánh dấu thời khắc thiêng liêng Hà Nội được giải phóng, khép lại một chương đấu tranh đầy gian khổ và mở ra kỷ nguyên mới của hòa bình và độc lập.

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô - ảnh 4
Cầu Long Biên

Cầu Long Biên: Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Đây là cây cầu chứng nhân lịch sử khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954. Theo các điều khoản Hiệp định, quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội.

Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô - ảnh 5
Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân: Là nơi đoàn quân tiếp quản thủ đô đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội. Đây cũng là chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn.