Năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục triển khai đào tạo thương mại điện tử
(Thị trường tài chính) - Đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục, đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi. Đây sẽ mở ra cơ hội kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời đại số.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đào tạo thương mại điện tử 2023 do hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 5/12, tại Đại học Ngoại thương. Tại hội thảo, VECOM đã công bố Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023.
Phó Chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên cho biết, từ năm 2022, VECOM đặt ưu tiên trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử.
Cuộc khảo sát từ tháng 8 - 10/2023 tại 238 cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là trường đại học) cho thấy, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122. “Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, VECOM cùng các tổ chức và doanh nghiệp, mục tiêu đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi” - đại diện VECOM cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định 645/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để có được bức tranh toàn diện về công tác đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2023, VECOM đã hoàn tất Báo cáo đào tạo thương mại điện tử năm 2023 với chủ đề "Những bước tiến nổi bật".
Báo cáo đã cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng về hiện trạng đào tạo thương mại điện tử 2023 trong các trường đại học. Nêu bật nhiều khó khăn trong hoạt động này và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn.
Báo cáo cho thấy, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học đã bước từ giai đoạn phát triển từ thiên về quy mô sang thiên về chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều văn bản chính sách và pháp luật về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử cũng như về chuẩn chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo được ban hành trong vài năm gần đây đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự chuyển đổi này.
Theo VECOM, hiện nay, chính sách và pháp luật bước đầu tạo thuận lợi cho đào tạo thương mại điện tử, tuy nhiên, việc triển khai các văn bản chính sách và pháp luật này chưa đủ mạnh mẽ. Một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, các trường đại học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng chưa nắm vững các chủ trương và quy định đã ban hành. Sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo.