Một ngân hàng dính án phạt kỷ lục 3 tỷ USD vì tội rửa tiền
(Thị trường tài chính) - Ngân hàng TD Bank nộp phạt cao kỷ lục 3 tỷ USD sau khi bị phát hiện bỏ qua 90% giao dịch đáng ngờ giúp tội phạm rửa hơn 670 triệu USD.
Ngân hàng TD Bank, một trong những định chế tài chính lớn nhất Bắc Mỹ, vừa đồng ý nộp phạt hơn 3 tỷ USD cho chính phủ Mỹ sau khi bị phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc ngăn chặn hoạt động rửa tiền. Đây được xem là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, TD Bank đã để lộ "những khiếm khuyết có hệ thống" trong chương trình phòng chống rửa tiền từ năm 2018 đến 2024. Điều này đã tạo điều kiện cho ba mạng lưới tội phạm rửa hơn 670 triệu USD thông qua hệ thống ngân hàng này.
Cuộc điều tra của các cơ quan chức năng Mỹ đã phát hiện hàng loạt sai phạm đáng báo động. Trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2024, hơn 90% giao dịch không được giám sát đúng quy định. Đặc biệt nghiêm trọng là việc nhân viên ngân hàng nhận hối lộ 57.000 USD dưới dạng thẻ quà tặng để xử lý các giao dịch đáng ngờ trị giá 470 triệu USD.
Hồ sơ pháp lý hé lộ rằng Ban lãnh đạo của ngân hàng này cũng đã ra lệnh các chi nhánh ngừng nộp báo cáo nội bộ về giao dịch bất thường và cho phép hơn 5 tỷ USD giao dịch diễn ra trong các tài khoản đáng lẽ phải đóng. Những hành vi này đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán ma túy thông qua hệ thống tài khoản của ngân hàng.
"TD Bank đã tạo ra một môi trường cho phép tội phạm tài chính phát triển mạnh", Tổng chưởng lý Merrick Garland nhấn mạnh tại cuộc họp báo. "Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm, TD Bank đã trở thành một tội phạm", Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo chỉ trích. "Không giống các đối thủ cạnh tranh, TD Bank luôn ưu tiên tăng trưởng và lợi nhuận hơn là tuân thủ pháp luật". Ông khẳng định những thất bại này đã gây ra "thiệt hại thực tế, vật chất cho công dân và cộng đồng nước Mỹ".
Một vụ án điển hình được Philip Sellinger, luật sư tại quận New Jersey, chỉ ra là trường hợp của đối tượng Da Ying Sze (biệt danh David). Đối tượng này đã rửa hơn 470 triệu USD thông qua ngân hàng TD bằng cách thường xuyên thực hiện giao dịch tiền mặt số lượng lớn tại quầy và hối lộ nhân viên ngân hàng bằng thẻ quà tặng trị giá hơn 57.000 USD.
Hai đơn vị của TD Bank đã nhận tội âm mưu không duy trì chương trình chống rửa tiền, không nộp báo cáo giao dịch tiền tệ chính xác và âm mưu rửa tiền. Theo thỏa thuận với các cơ quan quản lý, ngân hàng phải chịu sự giám sát độc lập trong 4 năm tới và nộp phạt tổng cộng hơn 3 tỷ USD. Ngân hàng đã dự phòng 2,6 tỷ USD để xử lý các vấn đề pháp lý liên quan. Đến nay, Bộ Tư pháp đã buộc tội hơn 20 người, trong đó có 2 nhân viên TD Bank.
Vụ việc này đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của TD Bank. Cổ phiếu của ngân hàng đã giảm hơn 5% sau khi thông tin được công bố. Ngân hàng buộc phải hủy thương vụ mua lại First Horizon trị giá 13,4 tỷ USD. CEO Bharat Masrani cũng đã công bố kế hoạch từ chức vào năm sau, đồng thời thừa nhận: "Đây là một chương khó khăn trong lịch sử ngân hàng của chúng tôi. Những thất bại này diễn ra khi tôi còn là giám đốc điều hành và tôi xin lỗi tất cả các bên liên quan."
TD Bank hiện là ngân hàng lớn thứ hai của Canada tính theo tài sản, đồng thời nổi tiếng nhờ cam kết về trải nghiệm khách hàng với khẩu hiệu "Ngân hàng tiện lợi nhất" - đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ số hóa nhằm tăng cường tính tiện lợi và hiệu quả. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và có thể có thêm các cá nhân bị truy tố.
Lisa Monaco, phó tổng chưởng lý Mỹ, đã cảnh báo: "Mọi viên chức ngành ngân hàng nước Mỹ nên xem xét các cáo buộc ngày hôm nay (đối với TD Bank) như một ví dụ điển hình về những điều không nên làm". Ngân hàng này vẫn đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý và có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý tiếp theo trong tương lai.
Theo CNN, Financial Times, WSJ