Liên tiếp xảy ra tai nạn thương vong, đừng để công tác an toàn lao động chỉ là khẩu hiệu
Những vụ việc tai nạn lao động gần đây cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí bị buông lỏng, hình thức, phong trào.
An toàn lao động được xác định là vấn đề quan trọng tiên quyết trong sản xuất, kinh doanh nhưng dường như thời gian gần đây, an toàn lao động lại chỉ là “khẩu hiệu” ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hai vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người chết, 8 người bị thương vừa mới xảy ra ở Yên Bái và Đồng Nai, trong đó có một vụ xảy ra đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5, mở đầu “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024”. Những vụ việc tai nạn lao động gần đây cho thấy công tác này đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí bị buông lỏng, hình thức, phong trào.
Khoảng 8h10’ ngày 1/5/2024, một vụ nổ lò hơi kinh hoàng xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh (tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Vụ nổ cướp đi tính mạng của 6 người tại hiện trường (trong đó có cả Giám đốc Công ty - quốc tịch Trung Quốc) và 5 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi kĩ thuật trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành.
Vụ nổ lò hơi kinh hoàng xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cướp đi tính mạng của 6 người ngay tại hiện trường. Ảnh: Báo Thanh niên |
Trước đó, ngày 22/4/2024, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt, mở điện khiến động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động trong khi đang sửa chữa.
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong năm 2023 cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn. Con số này bao gồm cả khu vực có hợp đồng lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 ở tất cả các khu vực: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.
Đáng chú ý, nhiều người lao động hiện nay đang bị tàn phá sức khỏe do phải làm việc trong môi trường độc hại, nhưng không được bảo hộ. Lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người nhất là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và hóa chất.
Cũng theo Cục An toàn lao động, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do từ phía người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44.37% tổng số người chết. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Số vụ còn lại do các nguyên nhân khác như: Tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Cùng đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động
Để không còn những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, thương tâm, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, bổ sung các chế tài liên quan đến quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm trong Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Hình sự… Cần nâng hình phạt tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và các chế tài xử phạt hành chính. Tai nạn lao động hầu hết là do nguyên nhân chủ quan (chiếm 73%). Số vụ nghiêm trọng vẫn hết sức phức tạp, không có xu hướng giảm nhưng việc xử lý hình sự các nhà thầu thi công vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Như đã nêu ở trên, năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ, làm chết 699 người, bị thương 1.720 người nhưng chỉ có 10 vụ tai nạn lao động bị đề nghị khởi tố và 9 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
Gốc rễ vấn đề vẫn phải truy trách nhiệm người sử dụng lao động thiếu trách nhiệm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhất là ở lĩnh vực nguy cơ tai nạn cao. Song song đó, cần đầu tư hệ thống trang thiết bị và an toàn, nâng cao nhận thức, hành vi, thói quen làm việc an toàn của người lao động. Chúng ta có hệ thống pháp luật, có các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng nếu người sử dụng lao động, người lao động thiếu tự giác thì các vụ tai nạn thảm khốc vẫn tiếp tục xảy ra.