Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh
Thitruongtaichinh - Chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đứng đầu ASEAN
Các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song EVN đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt trên 280 tỷ kWh, tăng trên 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỷ kWh, tăng 3,5%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80.000 MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30.000 MW, chiếm trên 37%.
EVN tích cực và quyết liệt triển khai đầu tư các dự án với giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn đạt 90.997 tỷ đồng, thuộc hàng cao nhất trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó đang khẩn trương thi công 3 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất trên 2.200 MW, khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110-500 kV.
Bên cạnh đó, EVN là doanh nghiệp đi đầu về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tỉnh, thành phố (xếp hạng 1 trong nhiều tháng liên tiếp); tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 96,3%...
Năm 2024, Tập đoàn tập trung đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế; tăng tốc đầu tư xây dựng, đồng thời thực hiện đổi mới quản lý triệt để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động.
Những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là mang tính hệ thống
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, ngành điện gồm 5 khâu: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện, với 6 yếu tố đầu vào, gồm than, dầu, khí, nước, nắng và gió. Do đó, việc nghiên cứu, vận hành, phối hợp giữa các khâu phải hợp lý, khoa học, vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phù hợp xu thế, quy luật, điều kiện, hoàn cảnh đất nước và truyền thống ngành điện, khả năng tiêu dùng của người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quý báu, như cần phải luôn đặt ngành điện trong sự vận động và phát triển với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa quan tâm vấn đề lâu dài. Thực sự đoàn kết, dân chủ, phát huy trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức. Làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác trong triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu.
Luôn đổi mới sáng tạo, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với cách làm, bước đi phù hợp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Theo Thủ tướng, những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là mang tính hệ thống. Do đó, trước những khó khăn, thách thức, phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, không lơ là, chủ quan, không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, phát huy truyền thống, đoàn kết, thống nhất, tự tin tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức và vững bước đi lên. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của EVN.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu: Thứ nhất, dứt khoát không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào; thứ hai, quản lý, điều hành ngành điện, nhất là giá cả theo quy luật thị trường nhưng có chính sách với các đối tượng an sinh xã hội; thứ ba, tái cấu trúc Tập đoàn theo quy luật thị trường, cân đối được tài chính, đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, chú trọng phát triển những lĩnh vực mới nổi, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.