Hoàn thuế: "Chờ cuối năm là cuối năm nào?"
(Thị trường tài chính) - "Chúng tôi chờ hoàn thuế quằn quại lắm rồi. Theo chỉ đạo, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN trước ngày 31/12/2023. Vậy, liệu cuối năm DN có được hoàn thuế đúng thời hạn hay không, hay chờ đến cuối năm nào?”- một DN đặt câu hỏi.
Nhưng thời điểm này, nhiều DN vẫn đang quằn quại chờ hoàn thuế và băn khoăn có được hoàn thuế đúng thời hạn hay không, vì thời gian từ nay đến hết năm 2023 không còn nhiều?
Chờ cuối năm… là năm nào?
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tập trung xử lý một số nội dung sau để giải quyết triệt để các vướng mắc và nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thuế GTGT. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần khẩn trương đến 31/12/2023 hoàn thành việc rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế đã ban hành về hoàn thuế GTGT để có biện pháp điều chỉnh phù hợp và bảo đảm tính hệ thống. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, trước ngày 31/12/2023, giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho DN.
Tuy nhiên, tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan ngày 13/12 vừa qua, vấn đề được nhiều DN quan tâm nhất vẫn là việc hoàn thuế GTGT. Trong đó, Giám đốc Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát Phạm Minh Khoa chia sẻ, trong 4 năm qua, DN đã thực hiện 32 lần xuất khẩu tinh bột sắn. DN đóng thuế đầy đủ, có đủ hóa đơn, chứng từ mua bán nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thuế GTGT. “Chúng tôi chờ hoàn thuế quằn quại lắm rồi. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng ra công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN trước ngày 31/12/2023. Vậy, liệu cuối năm DN có được hoàn thuế đúng thời hạn hay không, hay chờ đến cuối năm nào?” - ông Khoa đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, vấn đề của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát là câu chuyện dài liên quan đến việc hoàn thuế của một trong những DN về tinh bột sắn, thuộc lĩnh vực rủi ro. Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu của Công ty An Phát là căn cứ vào đánh giá rủi ro qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc.
Cũng đang mòn mỏi chờ hoàn thuế, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Pinshine Việt Nam băn khoăn về việc hoàn thuế đầu tư trong giai đoạn đầu tư. Theo đó, kết thúc giai đoạn đầu tư năm 2020, Công ty không ghi vào chỉ tiêu, sau đó một thời gian đã bổ sung. Thế nhưng đã hơn 3 năm qua, dù thủ tục đã đầy đủ nhưng đơn vị chưa được hoàn thuế. Theo đại diện Công ty TNHH Công nghệ Pinshine Việt Nam, việc chậm hoàn thuế GTGT, hoàn thuế không đúng với thời gian quy định ảnh tạo ra thách thức rất lớn cho DN về dòng tiền, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của DN, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đứng ở góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS cho biết, pháp luật đã có những quy định khá rõ ràng về thủ tục, thời hạn hoàn thuế. Cụ thể, theo quy định hiện hành, cơ quan thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của DN phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
Vì vậy, ngành thuế cần phải làm đúng luật là hoàn thuế trong thời gian quy định với những DN thỏa mãn các điều kiện trên. Không thể vì một số DN gian lận thuế, không đủ điều kiện hoàn thuế mà giam tiền hoàn thuế gây thiệt hại lớn cho cả cộng đồng DN.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực tế, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế GTGT. Cụ thể, trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới; ban hành bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT.
Đồng thời khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm tự động hóa trong khâu phân loại hồ sơ hoàn thuế, điện tử hóa các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Từ đó đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong hoàn thuế GTGT. Tổng cục Thuế cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh công tác hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng chậm muộn hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế số lượng DN bị chậm hoàn thuế vẫn rất lớn. Qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu” cho thấy, một trong những nguyên nhân chậm muộn là do ngành thuế đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro, gây ra ách tắc dòng tiền hoàn thuế, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của DN.
Trong đó, 3 vướng mắc chính đó là có quá nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về cảnh báo rủi ro, trong khi đã bỏ qua các yếu tố về mức độ tuân thủ của từng đối tượng nộp thuế cụ thể và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro đối với công tác hoàn thuế GTGT. Thứ hai, yêu cầu xác minh qua tất cả các khâu của đầu vào là quá mức cần thiết, dẫn đến không tập trung vào những khâu rủi ro chính, tạo gánh nặng quá lớn cho cơ quan thuế địa phương. Thứ ba, yêu cầu xác minh tính pháp lý của người mua nước ngoài trong một số trường hợp là không hợp lý khi xem đây là yếu tố then chốt.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách khuyến nghị, trước ngày 31/12/2023, cần rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để có điều chỉnh phù hợp, tạo cơ sở cho cơ quan thuế địa phương thực hiện. Tiếp đến, cần xử lý dứt điểm số hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng lâu dài. Đồng thời, khẩn trương đưa vào triển khai trên thực tế Bộ tiêu chí và ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, bảo đảm sự kết nối mạng liên thông giữa cơ quan thuế và Bộ KH&ĐT, Bộ Công an để trao đổi dữ liệu nhằm phòng tránh gian lận hiệu quả…
Chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2023, trong khi số lượng hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng tại một số Cục Thuế còn khá lớn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn yêu cầu, các Cục Thuế cần nâng cao tính chủ động trong công việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế; rà soát báo cáo các hồ sơ còn vướng mắc đang tồn đọng.
Cục trưởng các Cục Thuế cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ quản lý, giúp giảm số hồ sơ, cũng như số tiền còn treo chưa hoàn được. Cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phối hợp với các hiệp hội DN, ngành hàng để giải quyết ngay những “điểm nóng” về công tác hoàn thuế GTGT. Đối với các hồ sơ không đủ điều kiện hoàn, cần có thông báo cụ thể để DN được biết. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với công tác hoàn thuế GTGT, đồng thời góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN.
Tính đến ngày 30/11, cơ quan thuế đã ban hành 16.778 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 127.783 tỷ đồng, bằng 68,7% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn
Cơ quan thuế cần có trách nhiệm phân loại DN, xem DN nào làm ăn tốt, làm ăn đứng đắn để cập nhật vào hệ thống. Từ đó, hoàn thuế cho DN đáp ứng đủ điều kiện một cách nhanh nhất, để DN có vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS