Hà Nội: Biến vùng đất đồi gò thành cánh đồng hoa cúc chi trù phú
(Thị trường tài chính) - Gom đất của bà con nông dân để phát triển vùng trồng hoa cúc tri theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) đang biến vùng đất đồi gò dưới chân núi Tản trở nên trù phú.
Mỗi sào thu về gần 20 triệu đồng
Hơn 1 năm trước, chị Lê Thị Tự (thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ) đã góp 4 sào đất nông nghiệp ở vùng đồi gò, cùng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm phát triển vùng canh tác hữu cơ.
“Trước đây, đất nông nghiệp của gia đình chủ yếu trồng sắn, một năm thu được khoảng 5 triệu đồng. Nay cho HTX thuê được trả 6 triệu đồng mỗi năm. Thêm nữa, chúng tôi còn được thuê làm công, có lương hàng tháng…” - chị Tự cho biết.
Ngoài hộ chị Tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm còn thuê đất nông nghiệp của hơn 120 hộ dân khác, với tổng diện tích khoảng 5,3ha để trồng hoa cúc chi. Mô hình áp dụng quy trình ươm giống và kỹ thuật tưới tiên tiến. Đặc biệt là tuân thủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm Uông Thị Tuyết Nhung cho biết, quy trình canh tác hữu cơ tốt cho sức khỏe người lao động, nhưng ngược lại là dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Để khắc phục tình trạng sâu bệnh hại, HTX tiến hành ngâm ủ các chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc - sinh học từ ớt, tỏi, rượu, gừng…
Đại diện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm cho biết thêm, giống cúc được đưa vào sản xuất là cúc chi ta, bông nhỏ, năng suất hoa tươi đạt 300kg/sào/vụ (khoảng 40kg hoa sấy lạnh). Giá thu mua bình quân khoảng 60.000 đồng/kg hoa tươi và 500.000 đồng/kg hoa sấy khô. Mỗi sào canh tác qua đó có thể mang lại thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng.
Nghiên cứu nhân rộng mô hình
Hiện, mô hình trồng hoa cúc chi đang cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Dự kiến trong giai đoạn thu hoạch chính vụ, có thể đạt 200 - 250kg/ha/ngày. Toàn bộ hoa cúc chi sau khi thu hoạch sẽ được sấy lạnh để giữ màu sắc.
Hoa cúc chi thu hoạch sau mỗi mùa vụ được sấy lạnh; sau đó được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm đưa vào chế biến thành trà hoa cúc. Ngoài ra, HTX còn bán nguyên liệu thô cho một số đơn vị khác, trong đó có các công ty dược liệu. Điều đáng mừng là hiện nay các sản phẩm có nguồn gốc từ hoa cúc chi đều được thị trường đón nhận tích cực.
Theo chị Uông Thị Tuyết Nhung, thành công của mô hình đến nay, ngoài sự ủng hộ của các nông hộ góp đất, cũng nhờ sự hỗ trợ lớn của chính quyền địa phương. Thời điểm bắt tay vào phát triển mô hình, UBND thị xã Sơn Tây đã hỗ trợ HTX 50% chi phí về giống, phân bón hữu cơ vi sinh, 50% còn lại hợp tác xã đối ứng. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện để HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, sản phẩm hoa cúc chi của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ và cấp mã xác nhận vùng trồng.
“Mô hình trồng cúc chi theo hướng hữu cơ mang lại sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Đây cũng là hướng đi mà thị xã đang hướng đến trong phát triển kinh tế nông thôn…” - ông Vinh nói thêm.
Cũng theo đại diện Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, phường tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân mở rộng trồng hoa cúc chi trên địa bàn xã Thanh Mỹ và các xã, phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây.