Giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị
Sáng 26/6, Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên trang Diễn đàn Đô thị phối hợp cùng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cộng đồng Thiết kế nội thất trẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm: "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị".
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, đại diện các doanh nghiệp đầu tư, thi công uy tín. Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, tại Việt Nam, vấn đề nhà ở đô thị ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo trong thiết kế và xây dựng.
Để giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả, cần phải có sự hợp tác sâu rộng giữa các chuyên gia và các bên liên quan. “Tìm kiếm giải pháp Kiến trúc & Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị” hướng đến việc đổi mới sáng tạo trong thiết kế các không gian nhà ở trong các thành phố. Từ đó tạo ra những môi trường sống bền vững và hài hòa với tự nhiên.
Tầm nhìn của chương trình là thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong kiến trúc đô thị. Từ các khu dân cư nhỏ đến các dự án lớn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cư dân.
Việc khuyến khích các kiến trúc sư và chuyên gia trong ngành Xây dựng tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động của các dự án xây dựng đến môi trường và tài nguyên, bao gồm việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế không gian xanh, và công nghệ xây dựng tiên tiến.
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi cũng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị. Một là khảo sát và ứng dụng các xu hướng mới: Liên tục cập nhật và áp dụng những xu hướng mới trong thiết kế nhà ở đô thị, từ những công nghệ xanh đến các phương pháp xử lý chất thải và nước thải hiệu quả.
Hai là xây dựng cộng đồng tri thức: Phát triển một mạng lưới các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các kiến trúc sư để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn trong việc thiết kế và nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị.
Ba là nâng cao chất lượng cuộc sống: Tập trung vào việc tạo ra các không gian sống an toàn, thoải mái và thân thiện với môi trường cho cư dân, từ đó cải thiện sức khỏe và tăng cường mối quan hệ cộng đồng.
Cuối cùng, khuyến khích sự đổi mới và hợp tác: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên liên quan như nhà thiết kế, những doanh nghiệp xây dựng và cộng đồng dân cư để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các dự án nhà ở đô thị.
"Buổi tọa đàm không chỉ là nơi thảo luận về các xu hướng mới trong thiết kế và xây dựng mà còn là nền tảng thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác để xây dựng những mô hình nhà ở đô thị tiên tiến và bền vững. Qua việc kết nối các KTS, nhà thiết kế hướng đến mục tiêu tạo ra những giải pháp thiết kế và nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị đáp ứng tối đa nhu cầu của cư dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của tất cả đô thị tại Việt Nam" - PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.
Công nghệ mới trong tổ chức không gian sống
Với chủ đề tham luận "bàn luận về công nghệ mới trong tổ chức không gian sống cho nhà ở đô thị", PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, Trưởng khoa Nội thất Đại học Kiến trúc Hà Nội, đã nêu lên môt số quan điểm về thiết kế nhà ở, cùng những vai trò của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật nội thất, qua đó đưa ra những thiết kế nội thất và chất lượng không gian sống.
Dựa trên tuyên ngôn của Le Corbusier (1887-1965) "Nhà là cái máy để ở", PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương đưa ra khái niệm về thiết kế nội thất: "Thiết kế nội thất là quá trình kết hợp dự định của nhiệm vụ thiết kế, trí tưởng tượng của con người nhằm tạo dựng một không gian nội thất và tinh thần của con người".
Bên cạnh đó, thiết kế nội thất, một ngành nghệ thuật và khoa học về thiết kế, tổ chức sắp xếp, tạo hình trang trí không gian trong công trình kiến trúc theo những tiêu chuẩn về thẩm mỹ và chức năng. Trong thiết kế bao gồm tính khoa học, tính nghệ thuật và tính thực tiễn là ba yếu tố đan xen không thể tách rời.
Ngoài ra, về khái niệm về trang thiết bị kỹ thuật nội thất (TTBKTNT) của công trình giống như hệ tuần hoàn trong cơ thể con người, căn bếp là trái tim của ngôi nhà. Chất lượng cuộc sống của một gia đình phụ thuộc nhiều vào thiết bị và trang thiết bị bếp. Thiết kế căn bếp hiện đại là việc tập hợp, lựa chọn các thiết bị và phụ kiện bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng. Yếu tố kỹ thuật trong thiết kế tủ bếp đôi khi lất át yếu tố thẩm mỹ
Cùng với các bộ phận cấu thành của không gian nội thất như trần, sàn, tường và đồ đạc nội thất, hệ thống TTBKTNT góp phần hoàn thiện không gian nội thất một cách đầy đủ trọn vẹn, nó được ví như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hô hấp trong một “cơ thể công trình”.
Trong một không gian nội thất, việc xử lý lắp đặt các hệ thống TTBKTNT đòi hỏi phải có các khoảng không gian phục vụ việc chứa đựng hệ thống gồm các đường ống, đường dây, giá đỡ, các máy móc thiết bị vận hành...
An toàn, tiện nghi trong tổ chức không gian kiến trúc
TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội KTS Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu lên vấn đề, với tốc độ đô thị hóa cao xu hướng căn hộ với các diện tích nhỏ, căn hộ Mini đang rất thịnh hành tại các nước phát triển ở châu Á như Hồng Kông và Singapore.
"Các xu hướng này đang dần lan đến Việt Nam, căn hộ rộng rãi trở thành thứ xa xỉ mà không phải ai cũng mua được. Cho nên cần phải tận dụng không gian sống ít ỏi của mình một cách thông minh và hiệu quả" - TS.KTS Nguyễn Việt Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS.KTS Nguyễn Việt Huy đưa ra giải pháp thiết kế không gian kiến trúc nội thất trong nhà ống đô thị. Trong đó, hiện nay các mật độ xây dựng, tỷ lệ bê tông hóa đã dẫn đến những vấn đề của nhà ống tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Hệ quả của nó ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu, đảo nhiệt đô thị và an toàn đối với phòng chống cháy nổ. Do đó, với nhà ống đô thị cần đưa không gian xanh vào tối đa công trình; không gian cần kết nối, liên thông.
Còn với biệt thự, TS.KTS Nguyễn Việt Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian mở và liên thông cho phép thông gió xuyên phòng, đồng thời không gian có thể đóng lại vào mùa đông nhằm tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tăng sự tiện nghi, đồng thời kết nối với thiên nhiên.
“Ánh sáng tự nhiên và nhân tạo phải kết hợp linh hoạt cho mọi không gian. Không gian mở và liên thông cho phép thông gió xuyên phòng đồng thời không gian có thể đóng lại vào mùa đông...” - TS.KTS Nguyễn Việt Huy chia sẻ.
Công nghệ cơ điện thông minh trong nhà ở đô thị
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT iHãus, Kỹ sư Trịnh Thanh Hà đã giới thiệu hệ thống MEP cùng với nhà thông minh theo tiêu chuẩn KNX.
Với tiêu chí thiết kế xây dựng hệ thống MEP (hay Mechanical Electrical Plumbing), ông Trịnh Thanh Hà cho biết, thuật ngữ này đề cập đến việc tính toán, thiết kế, cung cấp và lắp đặt các hạng mục liên quan đến cơ khí, điện và hệ thống nước/thủy lợi trong các công trình.
Trong các công trình dân dụng, thương mại và công nghiệp những phần tử này thường được thiết kế bởi các công ty có chuyên môn và kỹ thuật về MEP. Thiết kế của MEP rất quan trọng đối với việc lập kế hoạch, ra quyết định, lập tài liệu chính xác, ước tính hiệu suất và chi phí, xây dựng và vận hành/bảo trì.
Các hệ thống MEP hiện đại cung cấp điện ổn định, an toàn, dự phòng sự cố, chống sét, tiếp địa làm việc và sự cố. Đảm bảo khí hậu với điều hòa không khí, giám sát điều kiện vi khí hậu cấp gió tươi thu hồi nhiệt, lọc bụi và virus có hại.
Ngoài ra hệ thống còn cấp nước sạch và thoát nước; điện thông minh (điều khiển chiếu sáng; điều hòa; thông gió; rèm cửa; an ninh; an toàn) và an ninh, an toàn với chống đột nhập, phá cửa nhiệt, khói và sự tăng trưởng đột ngột của CO2.