Diễn đàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững: Gia tăng giá trị kết nối
Để phát triển kinh tế, một đất nước cần có lực lượng chủ lực là các doanh nhân, DN. Để xây dựng văn hoá, báo chí lại là lực lượng quan trọng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và lan tỏa xã hội.
Do đó, muốn Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đất nước cần có cả hai lực lượng báo chí, DN đều phải phát triển tốt và phối hợp hiệu quả.
Cộng sinh cùng phát triển
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, DN, Đảng, Nhà nước chủ trương phải thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi.
Xét về nội dung, môi trường truyền thông báo chí cũng là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN cũng như đối với tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong Nhân dân.
Thực tiễn cho thấy quan hệ giữa báo chí và DN luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh DN đến với người tiêu dùng.
Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, nói cùng tiếng nói, hỗ trợ DN phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Chính vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và DN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Và để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa DN và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
“Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của DN, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin để DN nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyếtsách phù hợp cho sự phát triển của DN…” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí và DN, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra sự chuyển biến lớn tại các cơ quan báo chí.
Do đó, nếu các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của DN sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các DN Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp. Thay vào đó, các DN Việt Nam lại đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này, có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của báo chí phải là kênh thông tin chính xác, tạo chiều sâu và nêu lên những bất cập của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, DN nên chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan truyền thông chính thống nhằm đưa chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí.
Thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, một DN muốn thành công không chỉ làm tốt chiến lược “4P” (sản phẩm – product; giá cả - price; địa điểm phân phối - place và hỗ trợ bán hàng - promotions), mà cần đặt mình vào mối quan hệ tổng hòa với cộng đồng để đặt lợi ích chung của xã hội làm mục tiêu lâu dài của DN.
Trong mối quan hệ tổng hòa đó, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến DN và ngược lại là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên, đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực và vì mục tiêu chung. Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, DN Việt Nam cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, các DN vẫn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế như: Vinfast; Vina milk; Masan; Viettel…
TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: "Hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng".
Dưới góc nhìn của DN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, với Hapro, khi tham gia các tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề của Báo đã giúp Công ty hiểu rõ được lợi ích từ những chính sách mới, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ và phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, tăng khả năng tự đổi mới của DN”.
Là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị với hệ sinh thái gồm 9 ấn phẩm, bao gồm 2 ấn phẩm báo in, 1 báo điện tử và 6 chuyên trang: hanoitimes; phapluatxahoi.kinhtedothi.vn; giaothonghanoi.kinhtedothi.vn; tieudung.kinhtedothi.vn; diendandothi.kinhtedothi.vn; thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn với khoảng 15 - 20 triệu lượt truy cập/tháng...
Thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị rất tích cực truyền thông về các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đây là một trong những chủ đề luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Năm 2024 là năm thứ 2, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí đồng hành cùng DN tại 3 miền.
Mục tiêu của diễn đàn này sẽ trở thành sự kiện thường niên nhằm tham góp, đề xuất thêm nhiều giải pháp để mối quan hệ báo chí và DN ngày càng bền chặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sẽ tập trung thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa báo chí và DN, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền của báo chí về kinh tế, DN, doanh nhân. Từ đó giúp bảo đảm tính chuyên nghiệp, khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội; hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch ảnh hưởng đến DN và môi trường kinh doanh.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị