HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cỗ máy tăng trưởng chính của châu Á rệu rã, WB 'hiến kế' cho những nước như Việt Nam thích nghi với hoàn cảnh mới

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Các nền kinh tế đang phát triển từng hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nay sẽ đối mặt với thách thức khi không còn tận dụng tối đa được làn sóng đầu tư vào khu vực như trước đây.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và xung đột toàn cầu đang leo thang, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị các quốc gia châu Á tăng cường ký kết các hiệp định thương mại nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu trước những thách thức đến từ quy tắc xuất xứ và các rào cản thương mại ngày càng nghiêm ngặt.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ chỉ còn 4,4% vào năm 2025, chủ yếu do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và tình hình bất ổn kinh tế tại Hoa Kỳ.

WB khuyến cáo các quốc gia đang phát triển ở châu Á như Việt Nam, Thái Lan nên chủ động thắt chặt quan hệ thương mại với các đối tác lớn để tránh bị ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế thương mại đang dần áp dụng trong xu hướng địa chính trị phân cực.

Các nền kinh tế đang phát triển từng hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nay sẽ đối mặt với thách thức khi không còn tận dụng tối đa được làn sóng đầu tư vào khu vực như trước đây.

Cỗ máy tăng trưởng chính của châu Á rệu rã, WB 'hiến kế' cho những nước như Việt Nam thích nghi với hoàn cảnh mới - ảnh 1
Công nhân trong 1 nhà máy giày xuất khẩu tại Hà Nội

 

“Mô hình phát triển của Đông Á dựa trên thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động hiện đang bị đe dọa bởi xung đột thương mại và công nghệ mới", ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại lễ công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực. “Phản ứng phù hợp nhất là mở rộng các hiệp định thương mại và cung cấp kỹ năng mới cho người lao động để họ có thể tận dụng được các công nghệ tiên tiến".

Trung Quốc, từng là động lực tăng trưởng chủ lực của châu Á, dự kiến sẽ khiến mức tăng trưởng toàn khu vực giảm từ 4,8% năm 2024 xuống còn 4,4% năm 2025.

Dù Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp kích thích bao gồm cắt giảm lãi suất, cải thiện thị trường bất động sản, và bơm hàng tỷ đô la vào thị trường chứng khoán, nhưng theo chuyên gia Mattoo, hiệu quả thực tế sẽ rất hạn chế do “nhu cầu tín dụng yếu, và các biện pháp tiền tệ thuần túy có thể không có tác động đáng kể lên hoạt động kinh tế".

Việt Nam, Phillipines là điểm sáng

Báo cáo của WB cũng nêu bật những điểm sáng ở khu vực khác ngoài Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 4,9% vào năm 2025, dẫn đầu bởi Việt Nam (6,5%) và Philippines (6,1%). Các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư và sản xuất khi các doanh nghiệp tìm kiếm các trung tâm trung lập giữa căng thẳng Trung-Mỹ.

WB cho biết xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng hơn 25% so với các điểm đến khác trong giai đoạn 2018-2021, nhờ vào lợi thế trung lập này. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vào các quốc gia này đang dần suy giảm và chưa tạo ra tác động xuất khẩu tương tự đối với thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất trước đây của Đông Nam Á.

WB cũng cảnh báo rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể đối mặt với thách thức khi Hoa Kỳ áp dụng quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Chính sách này được tiếp nối từ cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng và dự kiến sẽ được tiếp tục dưới thời Phó Tổng thống Kamala Harris với một lập trường “cảnh giác nhưng kiên quyết” đối với Trung Quốc.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp thuế đối với tấm pin mặt trời xuất khẩu từ Đông Nam Á sau khi phát hiện việc né thuế từ các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Việc ký kết các hiệp định thương mại sâu rộng với các đối tác thương mại lớn có thể đóng vai trò như một lá chắn bảo vệ trước các chính sách hạn chế công nghiệp và thương mại của các quốc gia này", WB khuyến nghị. Hiện tại, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu khu vực về số lượng các hiệp định thương mại, trong khi Thái Lan cũng đang tích cực đàm phán với Liên minh châu Âu và EFTA (Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu, gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy, và Thụy Sĩ).

Bên cạnh đó, WB cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ chịu rủi ro giảm 0,5% sản lượng công nghiệp và 1% vốn hóa thị trường chứng khoán nếu bất ổn về chính sách tài khóa hoặc thương mại gia tăng.

Các rủi ro từ khu vực Trung Đông cũng có tác động đáng kể, đặc biệt sau khi Israel xâm lược miền Nam Lebanon và Iran tấn công vào Israel. Theo WB, chi phí vận chuyển toàn cầu đã tăng gần 40% kể từ tháng 10/2023, khi xung đột bùng nổ giữa Hamas và Israel, đẩy chi phí logistics lên cao và tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo World Bank, Nikkei Asia