Chứng khoán Mỹ đỏ lửa trước nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái, vàng cũng rơi vào vòng xoáy bán tháo toàn cầu
(Thị trường tài chính) - Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh vào thứ 2, ngày 5/8, khi lo ngại kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số Dow Jones giảm 1.033,99 điểm, xuống 38.703,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3,43% còn 16.200,08 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 3%, còn 5.186,33 điểm. Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng chứng kiến phiên giảm tồi tệ nhất kể từ Thứ Hai Đen tối năm 1987, với chỉ số Nikkei lao dốc 12,4%, đóng cửa ở mức 31.458,42 điểm.
Sau báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng, thị trường lo sợ Mỹ sẽ suy thoái. Điều này đã gây ra biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã tiếp tục bị bán tháo. Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong ngày thứ 2.
Cụ thể, cổ phiếu Nvidia đã giảm 6,4%, cổ phiếu Apple cũng giảm 4,8% sau khi Berkshire Hathaway của Warren Buffett cắt giảm 50% số cổ phiếu Apple đang nắm giữ. Cổ phiếu Tesla giảm 4,2% và cổ phiếu Super Micro Computer giảm 2,5%.
Chưa hết, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế và khi nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu để tìm nơi trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào ngày ⅝ khép phiên ở mức 3,78% - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) khép phiên ở mức 38, sau khi tăng lên mức 65, mức cao nhất kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 hồi năm 2020.
Giá vàng cũng mất hơn 1% vào ngày ⅝ và rơi vào tình trạng bán tháo trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay đã giảm 1,6% còn 2.403,39 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai giảm 1% xuống 2.444,10 USD/oz.
Dù vàng là một kênh trú ẩn an toàn nhưng cũng không tránh khỏi đợt bán tháo vào thứ 2.
Theo CNBC