Doanh nghiệp cần làm gì để “mở khóa” sức mạnh AI?
(Thị trường tài chính) - Công nghệ AI đang mở ra một kỷ nguyên phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức nghiêm trọng khi công nghệ này bị lạm dụng bởi các đối tượng xấu. Trong nội dung chia sẻ với Chuyên trang Thị trường Tài chính – Báo Kinh tế & Đô thị, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo, đã có những góc nhìn sâu sắc về tiềm năng, rủi ro và giải pháp để AI trở thành công cụ phát triển bền vững.
PV: Ông dự đoán như thế nào về xu hướng phát triển của AI tại Việt Nam trong thời gian tới? Làm sao để chúng ta có thể tận dụng tối đa lợi thế của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi công nghệ này bị lạm dụng cho các mục đích xấu?
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: AI là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI nhằm phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp bán dẫn hay các lĩnh vực liên quan đến phát triển công nghệ AI. Chúng ta đang có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng để khai thác tối đa lợi ích từ công nghệ này. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức không nhỏ về vấn đề quản lý.

Trước tiên, cần có sự quản lý hiệu quả từ phía nhà nước. Điều này đòi hỏi việc nhanh chóng xây dựng các khung pháp lý và bộ luật phù hợp. Hiện nay, Việt Nam đã và đang soạn thảo những văn bản quan trọng như Luật Công nghệ Công nghiệp số, trong đó có những chương nội dung riêng liên quan đến AI, đặc biệt là định hướng sử dụng AI có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, một số đơn vị trong nước cũng đã thành lập Hội đồng Đạo đức AI, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và đưa ra các quyết định đảm bảo việc sử dụng AI phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Đây là những bước đi ban đầu nhưng rất quan trọng để xây dựng nền tảng cho một hệ sinh thái AI phát triển bền vững.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham khảo và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia châu Âu, nơi có khung pháp lý chặt chẽ và tiên tiến để quản lý công nghệ AI một cách trách nhiệm và hiệu quả. Tôi tin rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này để đảm bảo AI được vận hành đúng mục đích và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
PV: Trước tình trạng lừa đảo sử dụng AI ngày càng phổ biến, theo ông, chúng ta có thể áp dụng những giải pháp công nghệ nào để ứng phó và ngăn chặn hiệu quả các hành vi này?
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Công nghệ AI đang mang lại những lợi ích vượt trội nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi rơi vào tay các đối tượng xấu. AI hiện diện như một con dao hai lưỡi. Ở mặt tích cực, nó giúp tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, giáo dục đến nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi bị các hacker hay tội phạm lợi dụng, AI trở thành mối đe dọa nguy hiểm với xã hội.

Trước tiên, AI cho phép tội phạm thu thập thông tin nạn nhân nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết, điều mà trước đây cần rất nhiều thời gian và công sức. Tiếp đó, nhờ khả năng tự động hóa, AI giúp các hacker thực hiện hàng loạt chiến dịch quét tìm nạn nhân hoặc phân tích dữ liệu chỉ trong vài giây, thay vì làm thủ công như trước. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ deepfake đã khiến các hình ảnh, video hay âm thanh giả mạo ngày càng trở nên giống người thật, khiến nạn nhân dễ dàng bị lừa bởi các nội dung giả mạo giống hệt người thân hay bạn bè.
Trước những rủi ro này, giải pháp là phải tận dụng chính AI để phòng chống hiệu quả. Các công cụ AI có thể được sử dụng để phát hiện nhanh các dấu hiệu lừa đảo, truy vết các đối tượng tội phạm và hỗ trợ các lực lượng bảo vệ pháp luật trong việc ngăn chặn hành vi trái pháp luật. Ví dụ, các đơn vị như Bộ Công an, kết hợp với các viện nghiên cứu AI có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo lá chắn bảo vệ an ninh xã hội.
PV: Đầu tư cho số hóa là cuộc đầu tư rất là ngốn tiền, không biết đầu tư cho riêng phát triển AI thì như thế nào?
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Đầu tư vào AI bao gồm nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực đòi hỏi những yêu cầu khác nhau về nguồn lực. Trong đó, hạ tầng là mảng cần vốn đầu tư rất lớn, như xây dựng nhà máy sản xuất chip hay mua GPU cao cấp từ các nhà sản xuất như Nvidia. Đây là lĩnh vực mà các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam, chẳng hạn như Viettel, FPT, hay CMC, sẽ đóng vai trò chủ lực để dẫn dắt và phát triển.
Tuy nhiên, không phải mọi lĩnh vực AI đều cần đầu tư khổng lồ. Các ứng dụng nhỏ, hay còn gọi là application trên AI, lại rất phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng những nền tảng AI có sẵn từ nước ngoài để phát triển các ứng dụng chuyên biệt. Đây là lợi thế lớn, bởi Việt Nam nổi tiếng với đội ngũ lập trình viên tài năng, giỏi sáng tạo và linh hoạt trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng sẵn có.

PV: Theo ông, các doanh nghiệp cần đổi mới và sáng tạo như thế nào để có thể nắm bắt cơ hội và không bị bỏ lại phía sau?
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên đầy cơ hội và để nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần thực hiện những bước đi quyết liệt. Đầu tiên, việc nhận diện và tận dụng cơ hội là điều quan trọng nhất. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, đối mặt với thử thách và dám nghĩ, dám làm trong các hoạt động đầu tư và sáng tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo, giúp mọi người không ngần ngại đóng góp ý tưởng mới.
Để nâng cao hiệu quả, việc tinh gọn bộ máy là điều cần thiết và chuyển đổi số sẽ là yếu tố quan trọng để tối ưu hóa hoạt động cũng như giảm bớt chi phí nhân lực. Cuối cùng, việc xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để các cơ hội trong kỷ nguyên mới. Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển của công nghệ AI, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ này.
PV: Như ông từng chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế trong việc chuyển đổi số nhanh chóng. Vậy theo ông, các doanh nghiệp này nên tận dụng lợi thế đó như thế nào để phát triển?
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ không có nguồn lực và đầu tư lớn, nhưng họ lại có lợi thế là khả năng quyết định nhanh chóng. Khi quyết định nhanh, chúng ta có thể tận dụng được cơ hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hành động vội vàng, mà cần phải xây dựng kế hoạch một cách có bước đi cụ thể. Các doanh nghiệp nhỏ cần nắm bắt cơ hội, đồng thời hiểu rõ xu hướng để tận dụng hiệu quả. Vậy nên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), việc bắt kịp xu hướng và tận dụng cơ hội là hai yếu tố quan trọng để phát triển.
Xin cảm ơn ông!