HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chống buôn lậu "nóng" dịp sát Tết Nguyên đán

Lê Nam

Thitruongtaichinh - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên sức mua sắm hàng hóa tăng mạnh. Lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng, các đối tượng ồ ạt đưa hàng lậu, hàng giả ra thị trường.

Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ hàng lậu hàng giả quy mô lớn

Tết Nguyên đán đang cận kề, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, ngày 2/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương, ở ngõ 300B đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì) đã phát hiện 19.497 sản phẩm mỹ phẩm trị giá 380 triệu đồng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Trước đó, ngày 26/12, Đội Quản lý thị trường số 25, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh tại xã Phụng Châu (Chương Mỹ) đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông) bán hàng lậu trên mạng xã hội. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông) bán hàng lậu trên mạng xã hội. Ảnh: Hoài Nam

Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả mà lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện trong thời gian qua. Báo cáo của BCĐ 389 TP Hà Nội cho thấy, năm 2023 các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ buôn lậu, 1.579 vụ hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 4.307 tỷ đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ).

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường-Bộ Công Thương) Vũ Thị Minh Ngọc thông tin, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hàng lậu, hàng giả vẫn âm thầm được đưa ra thị trường để tiêu thụ với thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, khi môi trường internet phát triển, thương mại điện tử, mạng xã hội trở nên phổ biến, buôn lậu, kinh doanh hàng giả có thêm “đất” để rao bán công khai hàng lậu, hàng giả.

“Cuối tháng 12/2023, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội triệt phá kho hàng lậu quy mô lớn tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông). Kết quả kiểm tra cho thấy, chủ kho chuyên bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook... chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày”- bà Ngọc nêu ví dụ.

Quản lý thị trường quận Bắc Từ Liêm bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường quận Bắc Từ Liêm bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ về những thủ đoạn qua mắt lực lượng chức năng để buôn bán, vận chuyển hàng lậu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, các đối tượng thường thuê những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Đặc biệt, còn lợi dụng đặc thù của dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào sâu trong nội địa. Mặt khác, với chính sách, chủ trương tạo thuận lợi thương mại và triển khai thủ tục hải quan điện tử cũng đã bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.

Chính sách chưa phù hợp thực tế

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả thời điểm cuối năm đòi hỏi các lượng chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra các điểm nóng, truy tìm, xử lý đối tượng cầm đầu.

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để ngăn chặn hàng lậu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch Kế hoạch số 21/KH-QLTTHN về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trước, trong Tết. Trong đó, cần xác định đối tượng cầm đầu đường dây ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn, đồng thời kiểm soát hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội facebook, zalo... để kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông) bán hàng lậu trên mạng xã hội. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông) bán hàng lậu trên mạng xã hội. Ảnh: Hoài Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh thông tin, từ nay đến Tết Giáp Thìn sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt…. Ngoài ra, sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực ngăn chặn hàng lậu, nhưng trong qua trình kiểm soát găp nhiều khó khăn bởi một số quy định pháp luật chưa theo kịp diễn biến thị trường.

Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, muốn ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu, hàng giả bên cạnh việc lực lượng chức năng vào cuộc còn đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật phù hợp thực tế.

“Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 17/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa cao nhất là 50 triệu đồng. Mức xử phạt đã có nhưng so với lợi nhuận sản xuất hàng giả mang lại thì không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm”-bà Nga dẫn chứng.

Quản lý thị trường quận Bắc Từ Liêm bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường quận Bắc Từ Liêm bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ cơ quan tham gia chống buôn lậu, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Tổng cục Hải quan) Vũ Hoài Linh thông tin mặc dù đã phát hiện nhiều vụ sản xuất hàng giả xuất khẩu quy mô lớn nhưng điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp không thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng hải quan.

Bên cạnh đó, điều 193 Bộ Luật hình sự quy định chỉ xử lý hinh sự chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho vi phạm sở hữu trí tuệ, nên đến nay chưa thể khởi tố những vụ vi phạm sở hữu trí tuệ quy mô lớn.

Từ những bất cập trên cho thấy để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, đòi hỏi cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tế. Từ đó tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.