Cách nào hạn chế tranh chấp trong kinh doanh?
(Thị trường tài chính) - Những năm gần đây, tranh chấp giữa các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Đây là một thực trạng đáng quan ngại hay là một chỉ dấu của sự phát triển? Làm thế nào để hạn chế tranh chấp một cách có hiệu quả.
Phóng viên Chuyên trang Thị trường Tài chính- Báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), Giảng viên thỉnh giảng Đại học Luật Hà Nội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, những năm gần đây, tranh chấp giữa các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, không chỉ giữa các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân mà còn cả giữa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, và thậm chí là tranh chấp giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đúng là đang có xu hướng như vậy trên thực tế. Tôi không có các số liệu thống kê chính xác trên cả nước, nhưng số lượng vụ việc về giải quyết tranh chấp mà văn phòng chúng tôi tiếp nhận nhiều hơn khá nhiều so với các năm trước đây.
Về mặt ngắn hạn, do sau đại dịch Covid rồi chiến tranh giữa Nga và Ukraina dẫn tới tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng đứt gãy dòng tiền, lâm vào khó khăn, nợ nần lẫn nhau, dẫn tới phải kiện nhau ra cơ quan giải quyết tranh chấp để thu hồi nợ. Nhiều dự án, công trình đang xây dựng buộc phải dừng lại do Chủ đầu tư không có khả năng thanh toán tiếp, tạo ra hiệu ứng Domino giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu chính, giữa Nhà thầu chính và các nhà thầu phụ. Việc các bên không thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng làm phát sinh tranh chấp.
Thực ra, trong những năm trước đây, hiện tượng vi phạm hợp đồng vẫn xảy ra nhiều nhưng các bên có xu hướng tự thương lượng để xử lý hoặc một bên chịu thiệt để rút khỏi hợp đồng do muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo cho những dự án, công trình khác, nên các vụ tranh chấp dường như ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự căng thẳng và khó khăn về điều kiện kinh tế cũng như sự bất định trong các mối quan hệ cá nhân nên các bên bất đắc dĩ đưa nhau ra Tòa hoặc Trọng tài thương mại để phân xử để từ đó sử dụng cơ chế thi hành án nhằm cưỡng chế thi hành án.
Về mặt dài hạn, tranh chấp là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường, bởi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên khốc liệt, cũng như các mối quan hệ tinh thần và tình cảm truyền thống bị phá vỡ để thay vào đó là các quan hệ và toan tính về kinh tế. Nếu xét về quan hệ kinh tế đơn thuần, tranh chấp là một tín hiệu không nên lo ngại bởi đây là một trong số các chỉ số để đánh giá sự trưởng thành của nền kinh tế thị trường ở nước ta, bởi mâu thuẩn giữa các bên được phân xử bởi một bên thứ ba có thẩm quyền.
PV: Như vậy là nguyên nhân phát sinh tranh chấp giữa các bên xuất phát từ nền kinh tế thị trường. Liệu có nguyên nhân nào khác nữa không, thưa ông?
Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài các nguyên nhân sâu xa trên đây, có ba nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tranh chấp hợp đồng, bao gồm: do các bên có cách hiểu khác nhau về một quy định của hợp đồng dẫn tới thực tiễn thực hiện khác nhau; do hợp đồng so sơ sài, thiếu quy định nên mỗi bên đều thực hiện theo cách riêng mà mình cho là đúng; và cuối cùng là đã có quy định rõ ràng trong hợp đồng nhưng một hoặc cả hai bên đều cố tình thực hiện sai để tư lợi.
Quan hệ kinh doanh thương mại là quan hệ dân sự, tức là quan hệ này được điều chỉnh bởi hợp đồng, nên tranh chấp trong kinh doanh thương mại là tranh chấp về hợp đồng. Nguyên nhân trực tiếp của tranh chấp luôn phát sinh từ việc soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng. Thực tế thì nhiều vụ việc tranh chấp đều phát sinh từ các lỗi soạn thảo hợp đồng dẫn tới thực hiện hợp đồng không phù hợp với ý chí và cam kết ban đầu của các bên. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên không coi trọng đúng mực việc quản lý hợp đồng nên không kịp thời phát hiện và xử lý các mâu thuẩn phát sinh giữa các bên khi triển khai thực hiện các cam kết trên thực tế. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập các quyền và nghĩa vụ để hiện thực hóa một hoặc một số mục tiêu nhất định mà mỗi bên hướng tới, do đó, hợp đồng cũng được coi như là một kịch bản phân vai theo trình tự, thứ tự tuyến tính các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo thời gian. Bất kỳ sai sót hoặc vi phạm nào của bên này cũng có thể dẫn tới việc bên còn lại gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ theo hiệu ứng domino.
Điều quan trọng nữa mà tôi muốn nhấn mạnh, là ý thức tuân thủ hợp đồng của mỗi bên. Chúng ta vẫn thường nói đến tính tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp còn yếu kém, và với kinh nghiệm của cá nhân tôi, thì ý thức tuân thủ cam kết hợp đồng cũng không tốt hơn bao nhiêu. Thực tiễn này dẫn tới một hiện tượng khá tiêu cực, đó là các doanh nghiệp của chúng ta hoạch định kinh doanh với tâm thế luôn có dự phòng cho trường hợp đối tác vi phạm hợp đồng. Ví dụ: Nhà thầu luôn xác định là sẽ bị chủ đầu tư nợ dài hạn hoặc không thanh toán một phần tiền thanh toán cho giá trị xây dựng công trình. Điều này dẫn tới đẩy giá thành sản phẩm, dịch vụ lên cao hoặc các nỗ lực để đối phó nhau ngoài hợp đồng.
PV: Vậy làm thế nào để hạn chế được các tranh chấp?
Mặc dù tranh chấp là các sự cố không thể tránh khỏi trong quá trình kinh doanh, nhưng nếu mỗi trong số các bên tham gia kí kết và thực hiện hợp đồng nỗ lực và thiện chí thì vẫn có thể hạn chế tối đa các tranh chấp.
Thực ra, trong quan hệ kinh tế thị trường, các bên đều đề cao và coi trọng các lợi ích và giá trị vật chất của bản thân mình lên cao, nhưng nếu đặt ở tầm nhìn dài hạn, thì lợi ích của mỗi bên đều do chính bên đó quyết định bằng những hành động thực tế của mình đặt trong mối tương quan với bên còn lại. Việc tôn trọng đối tác, tôn trọng cam kết hợp đồng không chỉ giữ uy tín của mình mà còn là làm cho bên còn lại hạn chế các hành vi vi phạm. Nói cách khác, muốn hạn chế tranh chấp, thì mỗi bên cần phải giữ cho mình một thái độ và ý thức tuân thủ hợp đồng thật tốt, sau đó là tìm cách hài hòa và tôn trọng lợi ích lẫn nhau. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh hay giá trị tinh thần, mà là con đường đạt tới lợi ích bền vững của tất cả các bên. Nếu không đạt tới điều đó, doanh nghiệp có thể bị đào thải khỏi thị trường trong thời gian ngắn.
Giải pháp đầu tiên là các bên cần chú trọng hơn vào công tác soạn thảo, đàm phán hợp đồng. Đây là văn bản quan trọng và là cơ sở pháp lý để các bên thực hiện trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Nếu các bên chưa có kinh nghiệm thì nên yêu cầu sự hỗ trợ từ các Luật sư, Luật gia hoặc chuyên gia có kinh nghiệm về hợp đồng. Một bản hợp đồng tốt và hiệu quả là một bản hợp đồng phản ánh đầy đủ và chính xác ý chí, nguyện vọng của mỗi bên, các quyền, nghĩa vụ và rủi ro được phân bổ hài hòa cho mỗi bên; cũng như làm rõ ràng, đầy đủ và chi tiết nội dung các quyền, nghĩa vụ và thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Một bản hợp đồng quá sơ sài, thiếu các điều khoản thương mại, điều khoản pháp lý cơ bản sẽ tiềm ẩn các tranh chấp không đáng có.
Giải pháp thứ hai là mỗi bên nên phân công bộ phận hoặc nhân sự quản trị hợp đồng để theo sát quá trình thực hiện hợp đồng. Nỗ lực của các bên trong việc phát hiện các vi phạm và chủ động xử lý các sai phạm một cách kịp thời khi vừa phát sinh sẽ dập tắt được các tranh chấp. Bộ phận quản trị hợp đồng thường là người có hiểu biết về pháp luật, hoặc có kinh nghiệm trong việc kiểm soát hợp đồng. Một số doanh nghiệp bố trí bộ phận kiểm soát nội bộ để làm nhiệm vụ quản trị hợp đồng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, việc kiêm nhiệm như vậy không đảm bảo tính hiệu quả bởi đây là hai loại công việc có tính chất khác nhau. Một số hợp đồng có giá trị lớn hoặc cho các dự án quy mô lớn, phức tạp thì bộ phận quản trị hợp đồng phải bao gồm những nhân sự có kinh nghiệm chuyên ngành sâu và mức độ tập trung cho công việc cao.
Bộ phận quản trị hợp đồng đảm nhiệm nhiệm vụ bên trong lẫn bên ngoài, tức là giữ mối liên hệ với các nhân sự, bộ phận trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp theo hợp đồng, cũng như giữ mối liên hệ với đối tác trong quá trình thực hiện. Sự tương tác các bên trong và bên ngoài là cách thức để bộ phận quản trị hợp đồng bao quát toàn bộ việc thực hiện hợp đồng và các vấn đề phát sinh để kịp thời can thiệp.
Giải pháp thứ ba là tăng cường kết nối và liên lạc giữa các bên khi có các mâu thuẩn nhỏ phát sinh để kịp thời xử lý và giải quyết. Sự liên lạc hữu hảo và thường xuyên giữa các bên sẽ giúp hóa giải các mầm mống phát sinh tranh chấp, cũng như kịp thời bổ khuyết hoặc làm rõ các vấn đề mà văn bản hợp đồng chưa quy định.
Trong quan hệ dân sự, quyền tự do hợp đồng được đề cao, nên sự tôn trọng hợp đồng là giải pháp và bí quyết cao nhất để hạn chế và hóa giải các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện.
PV: Xin cám ơn ông!