Bức tranh tài chính Vietnam Airlines bao giờ hết ảm đạm?
(Thị trường tài chính) - Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính năm 2022 mà Vietnam Airlines vừa công bố là doanh nghiệp này vẫn chìm trong thua lỗ chưa thể thoát ra.
Suốt 3 năm vẫn chưa thoát lỗ
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sau nhiều lần trì hoãn.
Theo đó, năm 2022 Vietnam Airlnes có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỉ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.
Điểm tích cực dễ nhận thấy nhất trong báo cáo tài chính năm 2022 của Vietnam Airlines chính là việc doanh thu của hãng này tăng mạnh, đồng thời lỗ gộp năm 2022 cũng thấp hơn so với cùng kỳ. Đây là kết quả bước đầu tương đối khả quan của Vietnam Airlines trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh
Tuy nhiên, đó cũng là điểm tích cực gần như duy nhất trong bức tranh tài chính năm 2022 của Vietnam Airlines. Còn lại, tình trạng cung của doanh nghiệp này vẫn là chưa thể thoát lỗ. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022 hãng có con số lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp 11.223 tỉ đồng (giảm lỗ hơn 2.056 tỉ đồng so với năm 2021).
Các khoản lỗ từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 khiến hãng lỗ lũy kế 35.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỉ đồng (tính đến 31/12/2022). Như vậy, với việc lỗ 3 năm liên tiếp, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ bị hủy niêm yết khỏi HOSE.
Lý giải cho việc thua lỗ trên, Vietnam Airlines cho biết, lỗ tăng sau kiểm toán là do các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ và trước ngày phát hành BCTC liên quan đến đàm phán duy trì và tái cơ cấu đội tàu bay; các chi phí ước tính liên quan đến trả tàu bay; các kết quả đàm phán miễn, giảm liên quan đến các khoản thanh toán phải trả các đối tác thường xuyên.
Trong đó, nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ năm 2022 là do tổng chi phí của hãng tăng 84.8% so với cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là chi phí nhiên liệu tăng mạnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine.
Cụ thể, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng khoảng 2.482 tỉ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỉ đồng.
Các nguyên nhân còn lại là tình trạng thừa tải và giá vé bình quân tại thị trường nội địa thấp; giá nhiên liệu tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa; lãi suất, tỉ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi.
Những nguyên nhân trên khiến cho chênh chi - thu tỉ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.251 tỉ đồng, tăng 666 tỉ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 801 tỉ đồng. Hệ quả là kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines vẫn chưa thể cải thiện tương ứng với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách.
Bức tranh chung của các DN hàng không
Với bức tranh tài chính không mấy khả quan như trên, Vietnam Airlines được dự báo là sẽ có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Và điều đó đã được hãng bay này xác định từ rất sớm khi đại diện Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính và phát triển sau đại dịch và cần thời gian nhiều năm để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tại đề án tái cơ cấu và đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm: tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.
Theo đó các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.
Các chuyên gia nhận định, thua lỗ không phải là vấn đề riêng của Vietnam Airlines mà là tình trạng chung của các hãng hàng không nước ta. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế cho biết các hãng hàng không đang phải đối mặt nhiều khó khăn như giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao; lạm phát toàn cầu tăng mạnh khiến hầu hết các hãng hàng không đều bị thua lỗ và thực hiện cắt giảm các khoản chi phí, đàm phán giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết; cắt giảm lao động, tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu...
Theo chuyên gia này thời gian gần đây, một số DN hàng không đã cải thiện được dòng tiền nhưng gặp nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu do chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
"Chúng tôi đánh giá sơ bộ khả năng phục hồi của hàng không Việt đến cuối 2023 vẫn còn mong manh và chỉ đạt khoảng 85%. Đến giữa và cuối năm 2024 mới có thể phục hồi 100%. Khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp là rất khó” – TS Cấn Văn Lực nói.
TS Cấn Văn Lực chỉ rõ 5 nguyên nhân lớn nhất gây nên khó khăn tài chính đối với các hãng hàng không bao gồm: Dịch bệnh; suy thoái kinh tế; quá tải các cảng hàng không; cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt; và giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào, tỉ giá, lãi suất tăng cao trong khi cơ chế điều hành chưa theo kịp thị trường. Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều rủi ro bất định, các hãng hàng không rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước.