Biến văn hóa thành “cỗ máy in tiền”
(Thị trường tài chính) - Thời gian qua, chất liệu văn hoá truyền thống được nhà thiết kế trẻ sử dụng như đòn bẩy tạo nên thương hiệu của mình, không chỉ tạo ra tính thương mại có giá trị cao với sản phẩm mà còn có giá trị với cộng đồng.
Khởi nghiệp bằng vốn dân tộc
Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, với những nhà máy, xưởng sản xuất từ thời Pháp thuộc, cho đến những nhà máy, phân xưởng được xây dựng ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế từ di sản văn hóa.
Vừa qua, thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội không chỉ có sự đóng góp của không chỉ các đơn vị tổ chức, chuyên gia mà còn của các nhà thiết kế, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Họ đã vận dụng, khai thác nguồn vốn văn hóa dân tộc, nâng tầm giá trị sản phẩm về mặt chiều sâu.
Hành trình của cô gái dân tộc Tày - nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang là một trong những câu chuyện như vậy. Cô đã đưa chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam lên áo dài, như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh. Nhờ đó, áo dài không chỉ tôn vinh hình tượng phụ nữ Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, di sản và du lịch.
Khi mới khởi nghiệp, NTK Vũ Thảo Giang cô không có nhiều lợi thế, và dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của cô. “Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế, tôi nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều” – NTK Vũ Thảo Giang chia sẻ.
Những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa còn được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều DN, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng.
Những dấu ấn mà Vũ Thảo Giang đã ghi trên hành trình khởi nghiệp của mình không thể không kể tới các bộ sưu tập mà cô đã thực hiện. Khi còn là một nhà thiết kế trẻ của Việt Nam từ khi theo đuổi đam mê với áo dài tới nay "Vốn văn hóa dân tộc" được Vũ Thảo Giang sử dụng rất nhiều ứng dụng di sản văn hóa vào thiết kế thời trang nổi bật với những bộ sưu tập tiêu biểu như: Gốm khảm "Bát nhã", "Qua miền di sản", "Việt Nam gấm hoa", thổ cẩm "Phố Làng", "Sắc hoa".
Cùng với NTK Vũ Thảo Giang, CEO Nguyễn Tiến Cường đã nhìn thấy được giá trị và tiềm năng của những đôi dép lốp từ người bố vợ và rồi lựa chọn nó để khởi nghiệp và thành công với thương hiệu “Vua dép lốp”. Hay như CEO Lương Thanh Hạnh, người đã xây dựng thương hiệu Hanhsilk được yêu thích từ nghề dệt đũi truyền thống Nam Cao ở Thái Bình. Dù ở các lĩnh vực khác nhau nhưng ở góc độ của một nhà nghiên cứu cho thấy điểm chung của 3 khách mời là đều sử dụng vốn văn hóa dân tộc để khởi nghiệp và đã thành công khi tạo dựng được thương hiệu của riêng mình.
Bắt nhịp với thị hiếu
Lựa chọn vốn văn hóa để khởi nghiệp không phải lựa chọn phổ biến trong xã hội theo dòng chảy mạnh mẽ của thị trường. Thực tế, lựa chọn này nhiều khi cần đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu hơn, khả năng thất bại, rủi ro lớn hơn. Quá trình này đòi hỏi người trẻ phải có niềm đam mê, hiểu rõ giá trị văn hóa mà mình lựa chọn, vừa có trí tuệ, vừa có sự can đảm, để kiên trì đi đường dài.
Ông Nguyễn Tiến Cường - người đưa thương hiệu “vua dép lốp” đến với công chúng cho biết, khi làm theo kiểu cách truyền thống, có thời gian ông không bán được đôi dép nào. Tuy nhiên, từ khi thay đổi mẫu mã, làm theo kiểu dáng thời trang, bất ngờ có nhiều người mua và đến nay dép lốp đã tới tay khách hàng ở hàng chục quốc gia. Vì vậy cần phải bắt nhịp với thị hiếu để vừa bảo tồn, vừa đưa dép cao su tới đời sống đương đại lâu dài hơn. Khi sản phẩm bán được thì quay lại phục vụ cho việc giữ nghề. Nếu chúng ta nhận biết được giá trị của chúng thì hoàn toàn có thể biến thành những cỗ máy in tiền. Nhưng để khai thác được vốn văn hóa, cần phải làm rõ tài sản văn hóa và có cơ sở pháp lý bảo vệ, nếu không di sản hoàn toàn có thể bị mai một, biến mất.
Mặt khác, nhiều người tham gia quá trình sản xuất ra sản phẩm văn hóa mới chỉ dừng lại ở mức độ đam mê. Chưa nhận ra được nhận ra việc mình làm góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa. Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Quyên: “Sau khi nhận ra được việc mình làm góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa, họ mới làm chuyên nghiệp hơn. Qua đó, kể câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm của mình”.
Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nhanh chóng, việc phát triển dựa trên các nguồn vốn văn hóa là một định hướng quan trọng. So với các nguồn vốn tự nhiên thì các nguồn vốn văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn, phân bố đồng đều hơn khi mà hầu như cộng đồng nào cũng có nguồn vốn văn hóa riêng của mình. Hơn nữa, nguồn vốn văn hóa còn có khả năng tái tạo nhanh hơn so với các nguồn lực tự nhiên. Đặc biệt, sự phát triển từ các nguồn vốn văn hóa cũng mang tính bền vững cao hơn khi bản thân văn hóa là sự kết tinh của các tương tác giữa con người với tự nhiên và con người với xã hội qua nhiều thế hệ khác nhau. Vì vậy phát triển kinh tế từ vốn văn hóa là xu thế và là con đường để hướng đến phát triển bền vững.