Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp -Nhà nước- công chúng

N.H

(Thị trường tài chính) - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp (DN) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và công chúng, giúp doanh nghiệp định hình hình ảnh và xây dựng lòng tin.

Ngày 31/5/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn “Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Mối quan hệ giữa báo chí và DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Đây là năm thứ 2, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp tại 3 miền.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp -Nhà nước- công chúng - ảnh 1
Mối quan hệ giữa báo chí và DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

"Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm…mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…", Tổng Biên Tập Báo Kinh tế & Đô Thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

TS Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quan hệ Báo chí - Doanh nghiệp - Người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hóa hoạt động truyền thông.

"Từ kinh nghiệm của bản thân công tác nhiều năm tại Quốc hội, tôi nhận thấy, cộng đồng DN luôn mong muốn được gần gũi hơn với báo chí, cung cấp thông tin nhiều hơn cho báo chí để báo chí có thể truyền tải những khó khăn vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị về chính sách, pháp luật tới các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ nhiều và hiệu quả hơn cho DN. Báo chí cũng cần giúp DN cập nhật chi tiết, đầy đủ hơn những chính sách pháp luật mới để thực hiện", TS Trần Văn nói.

Còn theo Ths Lê Dung - Viện trưởng Viện Doanh Trí; TGĐ Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup; Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, thế giới hiện nay đang trải qua những biến đổi to lớn và phức tạp. Chuyển đổi số đã trở thành một thực tế không thể tránh khỏi, yêu cầu các DN và báo chí phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về cạnh tranh và tuân thủ các quy định toàn cầu. Sự bất ổn về địa chính trị tạo ra một môi trường kinh doanh đầy rủi ro, đòi hỏi các DN phải linh hoạt và nhạy bén hơn. Cuối cùng, sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội đã hoàn toàn thay đổi cách thức thông tin được truyền tải và tiếp nhận.

Ths Lê Dung cũng khẳng định, trong bối cảnh này, mối quan hệ giữa báo chí và DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là cầu nối giữa DN và công chúng, giúp doanh nghiệp định hình hình ảnh và xây dựng lòng tin.

TS. Nguyễn Đức Kiên- Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: "Hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng".

Doanh nghiệp gửi gắm gì tới báo chí?

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, với Hapro khi tham gia các tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề của Báo đã giúp Công ty hiểu rõ được lợi ích từ những chính sách mới, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ và phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, tăng khả năng tự đổi mới của DN.

Theo bà Nguyễn Thị Vân - Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó với báo chí nên chú trọng phát triển báo điện tử. Vì vậy, DN rất mong Báo chí hỗ trợ trong việc quảng bá thương hiệu trên báo điện tử theo cách thức đôi bên cùng có lợi. Bởi, loại hình báo điện tử tuyên truyền thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo cơ hội cho DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới người đọc trên cả nước và kiều bào nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình phản ánh các sự kiện, ý kiến DN báo chí nên chắt lọc thông tin, xử lý và lựa chọn những thông tin nào nên đăng và không nên đăng. Nhà báo cần có tinh thần dám nhìn thẳng, nhìn đúng sự thật, có khai thác thông tin cung cấp những vấn đề cần thiết cho các cấp lãnh đạo, để làm được điều đó đòi hỏi thông tin báo chí đưa ra phải đầy đủ, rõ ràng, đúng sự thật.

Trong khi đó, Th.s Lê Dung –Tổng Giám đốc CTCP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup đề xuất, cần tăng cường tính tương tác và phản hồi: Báo chí nên tạo điều kiện để DN và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý. Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và DN tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, thời gian qua, báo chí đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước, ngoài việc là cầu nối giữa Nhà nước với người dân, DN trong việc truyền tài cơ chế, chính sách, pháp luật, phản biện xã hội. Báo chí còn góp phần tôn vinh những điển hình người tốt, việc tốt trong quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, chung tay vì cộng đồng...

"Nhưng trước những vấn đề bất cập, tiêu cực xảy ra đối với báo chí thời gian gần đây thì tôi cho rằng cộng đồng báo chí nói chung nên có cách nhìn xã hội một cách tốt đẹp hơn, sáng hơn, đừng vì một vài điểm tối trong xã hội mà “khoét sâu” làm tư tưởng, tinh thần của người dân, DN bị ảnh hưởng, thậm chí bị mất đi. Nói như thế không có nghĩa là phải nhìn xã hội toàn bằng “màu hồng”, vì thực ra trong một xã hội trong quá trình phát triển nó có những vấn đề bất cập, có những cái sai... ở mọi tầng lớp chứ không riêng gì ai, như thế mới là xã hội, một xã hội thì nó phải có tính đang dạng", ông Nguyễn Thế Điệp thẳng thắn thừa nhận.

Theo ông Điệp, báo chí nên nêu gương nhiều hơn, chứ không nên tập trung quá nhiều vào những điểm tối, điểm tối thì chỉ nêu vừa đủ để Nhà nước có những cơ chế, chính sách nhằm khắc phục; nếu báo chí cứ phản ánh trên tinh thần phán xét thì sẽ trở thành mâu thuẫn. Tất nhiên, có những vụ việc nghiêm trọng thì chúng ta vẫn phải làm đến cùng, nhưng không lấy đấy là mục tiêu của báo chí, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến lòng tin của Nhân dân với thể chế đất nước.