Việt Nam là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Temu tiến vào thần tốc khiến nhà bán lẻ Việt ‘gặp khó’ như thế nào?
(Thị trường tài chính) - Việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam thông qua các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) như Temu, Shopee, Lazada…và các nền tảng khác đang trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong những năm gần đây.
Việt Nam là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam thông qua các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) như Temu, Shopee, Lazada…và các nền tảng khác đang trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong những năm gần đây.
Điều này phản ánh sự thay đổi trong thói quen mua sắm và cung ứng sản phẩm, khi hàng hóa từ Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam hơn bao giờ hết.
Có thể thấy, Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của các nền tảng TMĐT, với sự tăng trưởng của các ứng dụng mua sắm trực tuyến.
Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Thêm nữa, theo báo cáo “Thị trường TMĐT - Thời của mua sắm và giải trí” của Kirin Capital phát hành đầu tháng 4/2024, số lượng khách hàng Việt ưa thích và lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tới 50%. Trong khi đó, chỉ có 30% số người mua hàng vẫn chọn kênh mua sắm truyền thống.
Điều này chứng minh ngành thương mại điện tử Việt Nam thật sự phát triển. Thống kê cũng chỉ ra có đến khoảng 61% người mua hàng trực tuyến là qua các sàn TMĐT, 55% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram…và khoảng 34% qua các website TMĐT bán hàng.
Đáng chú ý, theo Momentum Works, Việt Nam là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, với mức tăng trưởng tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) gần 53% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024, biến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng mà các nền tảng thương mại điện tử hướng đến, điển hình như Temu (Trung Quốc).
Được biết, nền tảng này đã “âm thầm” ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 10. Theo đó, sự gia nhập này đã nâng tổng số thị trường của Temu tại khu vực lên 5 nước, bao gồm Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei. Hiện tại, Temu hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 7/10/2024.
Từ khi ra mắt, lượt tải xuống ứng dụng Temu đã tăng thần tốc, với 440.000 lượt vào tháng đầu ra mắt năm 2022 và tăng đều đặn đến nay, đạt hơn 54 triệu lượt vào tháng 8/2024.
Nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu đối với Temu cũng ngày càng tăng. Một cuộc điều tra của Viện nghiên cứu IFH Köln (Đức) cho biết trong số người tiêu dùng được hỏi, 32% nói rằng bản thân đã mua sản phẩm từ Temu, tăng lên từ mức 11% vào 2023.
Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) của nền tảng cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.
Dự báo GMV của Temu là đạt 29,5 tỷ USD năm 2024 và 41 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, GMV của Amazon dự kiến sẽ đạt 756,9 tỷ USD trong năm nay.
Chương trình Affiliate marketing chiết khấu tới 30% của Temu
Trong suốt tuần qua, thị trường xôn xao vì chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) chiết khấu tới 30% mà Temu vừa tung ra tại Việt Nam. Có nhiều nguồn thông tin được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội rằng đây là cơ hội để kiếm hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng từ việc tham gia này.
Đồng thời, sàn còn thu hút người tham gia bằng cách tặng ngay 150.000 đồng khi giới thiệu thành công một tài khoản mới cài đặt ứng dụng và thực hiện mua sắm sản phẩm.
Một ví dụ chứng tỏ “làn sóng Temu” đang lan rộng khắp thị trường là các hội nhóm chia sẻ cách kiếm tiền trên nền tảng này đang ngày càng nhiều. Điển hình, mới đây, nhóm Facebook “ACCESS KOC - Cộng đồng hỗ trợ KOC/KOL kiếm tiền affiliate” với khoảng 31,9 nghìn thành viên đã đổi tên thành "Cộng Đồng AFFILIATAE TEMU”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia TMĐT, điều kiện để kiếm được hoa hồng từ 10-30% chỉ áp dụng cho 10 lần mua hàng đầu tiên của một người dùng mới - với giá trị đơn hàng từ 1,2 đến 2,4 triệu đồng trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký.
Đặc biệt, người giới thiệu chỉ nhận được hoa hồng nếu người dùng mới duy trì trạng thái "người dùng ứng dụng mới" trong thời gian quy định.
Thêm nữa, số tiền thưởng 150.000 đồng cũng chỉ được rút khi người dùng mới thực hiện mua hàng. Nếu giao dịch bị hủy hoặc hoàn lại, hoa hồng và tiền thưởng sẽ bị thu hồi.
Áp lực cạnh tranh ra sao?
Theo công ty phân tích dữ liệu TMĐT Metric, việc Temu gia nhập thị trường Việt hay các sàn TMĐT giá rẻ khác vào Việt Nam đang tạo ra nhiều áp lực.
Ngoài giá cả, tốc độ giao hàng xuyên quốc gia được rút ngắn - ngang với tốc độ vận chuyển nội địa đang khiến các nhà bán lẻ Việt Nam gặp khó.
Hiện tại, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu đến Việt Nam được dự báo nhanh hơn so với Malaysia hay Philippines, chỉ từ 4-7 ngày, do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối tốt qua đường bộ. Trong khi đó, thời gian vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội cũng mất từ 4-6 ngày.
Chưa hết, Trung Quốc cũng hỗ trợ một loạt địa phương, doanh nghiệp xây dựng tổng kho sát biên giới Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.
Có thể kể đến như Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam) với diện tích xây dựng lên tới 660.000m2. Nó đang được triển khai tiếp giai đoạn 2 tại phía Bắc, giáp với tỉnh Lào Cai, cách Hà Nội 295km. Hay Quảng Tây (Trung Quốc) đã thành lập 20 kho thương mại điện tử tại nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan và Việt Nam.
Trong 5 năm qua, TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10 lần và trở thành động lực thúc đẩy thương mại đối ngoại.
Nhược điểm
Tuy nhiên, Temu cũng có một số nhược điểm và nó có lợi cho các doanh nghiệp địa phương. Hiện tại, khi thanh toán sản phẩm trên Temu, người dùng sẽ phải lựa chọn thanh toán bằng Apple Pay đối với iPhone; Google Pay cho máy Android hoặc thanh toán quốc tế bằng thẻ tín dụng. Vì thế với những người dùng không sử dụng thẻ tín dụng sẽ khó mua hàng trên Temu.
Temu cũng chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng - người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp (ví dụ sai kích cỡ quần áo…) dù đã thanh toán từ trước.
Và mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nên quá trình đổi trả - hoàn tiền mất nhiều thời gian.