HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Tài tử Tom Cruise trao cờ Olympic cho thành phố Los Angeles, bế mạc Thế vận hội Paris

Vũ Bấc

Ngôi sao điện ảnh Tom Cruise đã mang đến màn trình diễn ngoạn mục tại lễ bế mạc Thế vận hội Paris 2024, đánh dấu thời khắc chuyển giao quyền đăng cai cho Los Angeles.

Trong lễ Bế mạc Olympic Paris 2024 vừa qua, tài tử điện ảnh Tom Cruise đã có màn biểu diễn ấn tượng khi thực hiện cú nhảy từ độ cao 50m xuống sân vận động Stade de France, nhận lá cờ Olympic giữa tiếng nhạc Mission Impossible do ca sĩ R&B HER trình bày. 

Tài tử Tom Cruise trao cờ Olympic cho thành phố Los Angeles, bế mạc Thế vận hội Paris - ảnh 1

Màn trình diễn thể hiện tinh thần kết hợp giữa truyền thống Olympic và sự hào nhoáng của kinh đô điện ảnh Hollywood tọa lạc ở thành phố L.A sẽ đăng cai Thế vận hội 2028, khiến hàng chục nghìn khán giả có mặt tại sân vận động và hàng triệu người xem truyền hình phải trầm trồ.

Trong khi Paris tận dụng các biểu tượng như Tháp Eiffel và Cung điện Versailles để tạo ấn tượng, Los Angeles đã nhanh chóng thể hiện sức hút ngôi sao với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, báo hiệu một kỳ Thế vận hội 2028 đậm chất điện ảnh và tinh thần Mỹ.

Tony Estanguet, giám đốc Paris 2024, phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi đã biến Paris thành một bữa tiệc và nước Pháp tìm lại chính mình. Từ một đất nước hay càu nhàu, chúng tôi đã trở thành đất nước của những người hâm mộ cuồng nhiệt." Ông cũng nhắc đến thành tích xuất sắc của kình ngư người Pháp, Leon Marchand với 4 tấm huy chương vàng, khẳng định niềm tự hào cho nền thể thao Pháp.

Tinh thần thể thao và hòa bình

Kỳ Thế vận hội đầy kịch tính đã kết thúc với cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên bảng tổng sắp huy chương. Trong trận đấu cuối cùng, đội tuyển bóng rổ nữ Mỹ giành chiến thắng sát nút trước Pháp với cách biệt một điểm, mang về huy chương vàng thứ 40 và vị trí dẫn đầu cho đoàn.

Chủ tịch IOC Thomas Bach trong bài phát biểu bế mạc đã nhấn mạnh tinh thần đoàn kết và hòa bình tại Thế vận hội: "Các bạn đã sống hòa thuận cùng nhau dưới một mái nhà tại Làng Olympic. Các bạn tôn trọng lẫn nhau, ngay cả khi đất nước của các bạn bị chia cắt bởi chiến tranh và xung đột. Các bạn đã tạo ra một nền văn hóa hòa bình".

Phần chuyển giao cho Los Angeles 2028 được thể hiện qua video Tom Cruise nhảy dù xuống biển hiệu Hollywood, với cảnh quay toàn cảnh cho thấy biểu tượng Olympic được kết hợp vào địa danh nổi tiếng này. Lá cờ Olympic được các vận động viên Mỹ chuyền qua thành phố, kết thúc tại bữa tiệc bãi biển với sự góp mặt của các ngôi sao âm nhạc Red Hot Chili Peppers, Billie Eilish, Snoop Dogg và Dr. Dre.

Thị trưởng Los Angeles, bà Karen Bass cam kết Thành phố Thiên thần (Los Angeles) sẽ tổ chức một kỳ Thế vận hội 2028 đa dạng và ấn tượng. 

Tài tử Tom Cruise trao cờ Olympic cho thành phố Los Angeles, bế mạc Thế vận hội Paris - ảnh 2

Với màn bế mạc hoành tráng, Paris đã khép lại kỳ Thế vận hội thành công, mang môn thể thao hấp dẫn đến trung tâm thủ đô, thổi luồng sinh khí mới vào thương hiệu Olympic. Giờ đây, ánh mắt của thế giới hướng về Los Angeles, nơi hứa hẹn sẽ mang đến một Thế vận hội 2028 đầy màu sắc và sáng tạo.

Ký ức thể thao đáng nhớ

Tài tử Tom Cruise trao cờ Olympic cho thành phố Los Angeles, bế mạc Thế vận hội Paris - ảnh 3

Paris 2024 để lại nhiều khoảnh khắc thể thao đáng nhớ, với những ngôi sao mới nổi và màn tái xuất ngoạn mục.

Kình ngư Leon Marchand trở thành "vua của hồ bơi" với 4 tấm HCV, mang lại niềm tự hào cho nước chủ nhà. Trong khi đó, võ sĩ judo Teddy Riner tiếp tục khẳng định vị thế với tấm HCV Olympic thứ 5 trong sự nghiệp.

Simone Biles, "nữ hoàng thể dục dụng cụ", đã có màn trở lại ấn tượng sau nỗi đau ở Tokyo. Cô giành thêm 3 HCV, nâng tổng số huy chương vàng Olympic của mình lên con số ấn tượng.

Thế vận hội Paris cũng chứng kiến sự ra mắt của môn breaking, bên cạnh sự trở lại của bóng rổ 3x3, leo núi thể thao, trượt ván và lướt sóng. Dù vấp phải một số ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, các môn thể thao mới này đã mang đến làn gió tươi mới cho Olympic.

IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) có thể tạm thở phào khi không xảy ra bê bối lớn, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với một số tranh cãi. Cuộc thi bơi lội chứng kiến tranh cãi gay gắt về cáo buộc doping liên quan đến các vận động viên Trung Quốc, trong khi Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ về vị thế thống trị của mình.

Vấn đề giới tính trong bộ môn Quyền anh (boxing) nữ cũng gây ra làn sóng tranh cãi từ giới chuyên môn đến công chúng, phơi bày mối quan hệ căng thẳng giữa IOC và Hiệp hội Quyền anh Quốc tế.

Theo Reuters

Ý kiến bạn đọc