Nga tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng về xuất khẩu LNG
Thitruongtaichinh - Moscow đặt mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu LNG sẽ tăng lên tới 110 triệu tấn mỗi năm, gần gấp ba khối lượng mà Nga cung cấp cho thị trường thế giới vào năm ngoái.
Theo hãng tin Tass, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak vừa tiết lộ nước này có kế hoạch tiếp tục tăng cường sản lượng và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Nga ở thủ đô Moscow hôm 21/2, Phó Thủ tướng Novak cho biết, đến năm 2030, xuất khẩu LNG sẽ tăng lên tới 110 triệu tấn mỗi năm, gần gấp ba khối lượng mà Nga cung cấp cho thị trường toàn cầu vào năm ngoái.
Theo ông Novak, Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ tư trên thế giới cho thị trường toàn cầu với 8% tổng lượng xuất khẩu. Kế hoạch tăng xuất khẩu trong 6 năm tới sẽ cho phép nước này nâng tỷ lệ cung cấp LNG toàn cầu lên 20%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Novak lưu ý rằng các kế hoạch đầy tham vọng nói trên đòi hỏi Nga phải tăng cường sản xuất và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả các cơ sở sản xuất LNG hiện tại đều đạt được công suất sản xuất theo kế hoạch.
Quan chức cấp cao của Nga nhấn mạnh: “Đây là một nhiệm vụ đầy tham vọng. Cần phải phát triển các cụm sản xuất LNG để đạt được điều đó”.
Theo Phó Thủ tướng Novak, sản lượng tại cụm Baltic dự kiến sẽ tăng lên 15 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 từ mức 2,2 triệu tấn vào năm 2023. Cụm Murmansk, nơi sản xuất vẫn chưa bắt đầu, dự kiến sẽ đạt 20 triệu tấn. Cụm Yamal sẽ được tăng lên tới 60 triệu tấn, từ mức 20 triệu hiện tại.
Bên cạnh đó, ông Novak thông báo rằng Nga có thể tăng quy mô sản xuất LNG ở cụm Sakhalin từ 11 triệu tấn trong năm ngoái lên 15 triệu tấn vào năm 2030.
Nga đã triển khai thêm dự án sản xuất LNG ở vùng Viễn Đông, theo đó có thể tăng thêm công suất 6,2 triệu tấn mỗi năm trong vòng 6 năm tới.
Xuất khẩu LNG của Nga tăng trưởng đều đặn trong năm ngoái do nhu cầu ngày càng tăng ở cả châu Âu và châu Á.
Liên minh châu Âu (EU) đã cấm xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine, nhưng LNG của Nga không nằm trong mục tiêu của các biện pháp trừng phạt này.
Trong khi nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống sang châu Âu giảm mạnh trong 2 năm qua thì các quốc gia thành viên EU đã mua lượng LNG kỷ lục của Nga vào năm 2023.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng quốc tế (IIEFA), nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu tăng 11% trong 24 tháng qua.
Cụ thể, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 11% từ năm 2021 đến năm 2023. Mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Bỉ và Tây Ban Nha. Cũng theo báo cáo trên, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ chiếm 80% lượng nhập khẩu LNG Nga của EU trong năm ngoái.
Theo ước tính của IIEFA, nhu cầu khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã giảm 20% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Đặc biệt, nhu cầu khí đốt của lục địa già ghi nhận mức thấp nhất trong 1 thập kỷ trong năm 2023, chủ yếu do mức tiêu thụ loại nhiên liệu này tại Đức, Italia và Anh giảm mạnh.
EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Các biện pháp hạn chế hiện tại đã nhắm vào một loạt lĩnh vực, bao gồm cấm vận thương mại, đi lại, cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với doanh nhân và quan chức Nga.
Trong diễn biến mới nhất, các nước thành viên EU ngày 21/2 đã nhất trí về mặt nguyên tắc của gói trừng phạt thứ 13 nhắm vào Nga và sẽ phê duyệt chính thức vào ngày 24/2.
Như vậy, gói trừng phạt này sẽ chính thức được phê duyệt vào thời điểm đánh dấu năm thứ hai xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Gói trừng phạt thứ 13 sẽ cấm vận gần 200 thực thể và cá nhân của Nga.