HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kinh tế Mỹ thoát nguy cơ suy thoái, thị trường kỳ vọng cắt giảm lãi suất

(Thị trường tài chính)- Những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy Fed sắp tiến đến gần mục tiêu hạ cánh mềm.

Tưởng chừng không thể thực hiện được, nhưng mục tiêu hạ cánh mềm của nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dường như đang đi đúng hướng – Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs nhận định.

Trả lời tờ CNN, ông Hatzius cho biết: “Gần như không có bất kỳ một cuộc suy thoái nào đối với nền kinh tế Mỹ”.

Dù thừa nhận lạm phát đã tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, nhà kinh tế tại Goldman Sachs vẫn giữ nguyên quan điểm về một đợt hạ cánh mềm của nền kinh tế.

Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho rằng kinh tế Mỹ đã thoát nguy cơ suy thoái. Ảnh: CNN
Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho rằng kinh tế Mỹ đã thoát nguy cơ suy thoái. Ảnh: CNN

Ông cho biết: “Nếu nhìn vào những dữ liệu tổng thể, mọi thứ đang diễn ra rất tích cực. Lạm phát đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Quan trọng hơn, trong khi xu hướng này đang tiếp diễn, nền kinh tế vẫn chưa hề bộc lộ bất kỳ một thách thức nào. Chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu của một cuộc suy thoái”.

Để đối phó với lạm phát, Fed đã tăng lãi suất trong năm 2022 và 2023 với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, kể từ những năm 1980 dưới thời giám đốc Fed Paul Volcker.

Nhiều người lo ngại cuộc chiến chống lạm phát sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng như cản trở công cuộc phục hồi kinh tế sau Covid-19. Giữa năm 2022, một mô hình của Bloomberg đã dự đoán về 100% nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ trong 12 tháng tiếp theo.

Giờ đây, nhiều nhà kinh tế đang ngày càng tin tưởng vào triển vọng hạ cánh mềm khi chi tiêu người tiêu dùng và thị trường việc làm được cho là có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với dự đoán.

Hatzius cũng bày tỏ niềm tin về việc kinh tế Mỹ sẽ không xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới, đồng thời nhận định nguy cơ này hiện chỉ là 15%.

Dự báo lạc quan trên sẽ là động lực lớn cho những quan chức Nhà Trắng đang cố thuyết phục cử tri về thông điệp kinh tế mà Tổng thống Joe Biden muốn hướng đến trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo nhóm nghiên cứu TD Cowen Washington, kể từ năm 1900, có năm Tổng thống Mỹ tái tranh cử phải đối diện với cuộc suy thoái kinh tế trong năm họ đứng ra tranh cử, bao gồm: William Howard Taft, Herbert Hoover, Jimmy Carter, Georgle H.W.Bush và Donald Trump.

Những yếu tố đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất

Ông Hatzius cho biết việc lạm phát có khả năng hạ nhiệt vào tháng 6 sẽ tạo điều kiện cho Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ giúp giảm mức chi phí đi vay cao vốn đang khiến nhiều hoạt động kinh tế gặp khó, từ thế chấp, cho vay mua ô tô đến lãi suất thẻ tín dụng.

“Chúng tôi dự đoán rằng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ là vào tháng 6 tới, tuy nhiên mọi thứ sẽ còn phụ thuộc vào những dữ liệu tiếp theo” – chuyên gia này cho biết.

Thậm chí Fed có thể đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất nếu thị trường việc làm có dấu hiệu suy yếu.

Hatzius nói: “Nếu có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang suy thoái, tôi cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ trở nên cấp bách hơn”.

Ngay cả khi hoạt động tuyển dụng vẫn ổn định, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng lên 3,9% trong tháng Hai, từ mức thấp nhất lịch sử 3,5% vào tháng 7/2023.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù rủi ro suy thoái đã giảm bớt, vẫn có những dấu hiệu có thể khiến tình trạng này đột nhiên bùng phát trở lại.

“Rủi ro địa chính trị là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái nền kinh tế. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ổn, từ xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, hay căng thẳng Mỹ-Trung” – Ông Hatzius cho biêt.

Chuyên gia này cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn chưa thể lường trước, viện dẫn “cú sốc” đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế số một thế giới lao đao trong suốt một năm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rủi ro đối với nền kinh tế từ tình trạng dư cung văn phòng – một phần do Covid-19 và xu hướng gia tăng của tình trạng làm việc từ xa.

Tuy nhiên, ông Hatzius cho rằng tình trạng nay khó có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái do tác động không lớn đối với nền kinh tế.