HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Vào cuộc sớm, Kiểm toán Nhà nước phát hiện kịp thời vướng mắc tại các dự án trọng điểm

Bảo Tích

(Thị trường tài chính) - Những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hôị quyết định chủ trương đâù tư trong thời gian qua đêù là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Công tác kiểm toán hoạt động của KTNN là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Loạt dự án được quyết định chủ trương đầu tư

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia nói riêng tiếp tục được tăng cường.

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Dự án Vành đai 3 TP. HCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Vào cuộc sớm, Kiểm toán Nhà nước phát hiện kịp thời vướng mắc tại các dự án trọng điểm - ảnh 1

Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 đoạn chạy qua địa phận Hà Nội (Ảnh: HNM)

Theo đó, trên cơ sở hồ sơ, Tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, KTNN đã thực hiện phân tích, đánh giá, đưa ra ý kiến của mình về các khía cạnh như: việc đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; phương án thiết kế sơ bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ; hình thức đầu tư…

KTNN cũng đưa ra ý kiến đánh giá về tổng mức đầu tư Dự án, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá, những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của KTNN. Công tác kiểm toán hoạt động của KTNN là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

“Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với KTNN. Các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao” - ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), KTNN là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế... Đo đó, việc phát huy vai trò của KTNN khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.

“Điều mà tôi đánh giá cao là KTNN đã so sánh được về suất đầu tư giữa các dự án. Qua đó, cho chúng ta thấy là có những khoản dự toán còn chưa thuyết phục và đặt ra câu hỏi tại sao lại có phần chênh lệch như thế. Không chỉ so sánh giữa các dự án với nhau mà KTNN còn đưa ra so sánh giữa dự kiến đầu tư cho những con đường này với các công trình đã đầu tư trước đây mà có tính chất tương tự. Đây là những thông tin rất bổ ích mà KTNN đã cung cấp cho đại biểu Quốc hội”, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá.

Vào cuộc kiểm toán sớm, phát hiện kịp thời các vướng mắc

Theo các đại biểu Quốc hội, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, KTNN luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Mặc dù là hậu kiểm nhưng KTNN phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.

“Khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành thì lập tức KTNN phải vào cuộc để hậu kiểm lại, tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó. Nếu làm được như vậy thì sau khi công trình hoàn thành, có thể bảo đảm được rằng tất cả các công đoạn đều đã được nhìn nhận, đánh giá một cách độc lập. Trong quá trình đó, nếu có vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh cũng sẽ được xử lý nhanh, kịp thời, nhằm đảm bảo những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Đại diện một số ban quản lý dự án cũng đề nghị và mong muốn KTNN vào kiểm toán sớm, để giúp cho ban quản lý dự án và nhà thầu thấy được những vấn đề còn thiếu sót nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai các công đoạn tiếp theo; đồng thời, qua kiểm toán, KTNN cũng ghi nhận và kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Đáp ứng kỳ vọng đó, những năm qua, việc kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia được KTNN xác định là nhiệm vụ trọng tâm. KTNN đã thực hiện kiểm toán một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I (2017-2020). Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số bất cập và đưa ra kiến nghị đối với Bộ giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án để rút kinh nghiệm trong triển khai dự án ở giai đoạn II… Trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của KTNN. Kết quả kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án mà còn phục vụ đắc lực cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2024.

Để việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia được thực hiện một cách bài bản, thống nhất trong toàn Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Hướng dẫn này quy định rõ nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, nội dung chuẩn bị ý kiến của KTNN. Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu. Bao gồm: Thông tin tổng quan về chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (mục tiêu, phạm vi, quy mô; nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn, kế hoạch vốn, phương án huy động vốn; phương án phân chia các dự án thành phần, tiểu dụng án; giải pháp tổ chức thực hiện).

Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp vật tư,thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; phương án đầu tư và quyy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng tài định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.