Tập đoàn Lộc Trời nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân
(Thị trường tài chính) - Tổng nợ của Tập đoàn Lộc Trời đối với nông dân ở An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Đông Xuân năm nay đã lên đến 472 tỷ đồng, tương đương khoảng 19% tổng giá trị lúa mua.
Lộc Trời nợ hơn 200 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đã chỉ ra, trong vụ mùa này, Tập đoàn Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân tại các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, số tiền nợ của họ lên đến 227 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tập đoàn Lộc Trời đã thanh toán thêm một phần của số tiền nợ vào ngày 24/4 với 57 tỷ đồng. Nhưng vẫn còn hơn 204 tỷ đồng chưa được thanh toán cho nông dân.
Lý do cho việc thanh toán không đúng như cam kết là do Lộc Trời chưa thu xếp được dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Doanh nghiệp này thường xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng tiền thanh toán từ khách hàng quốc tế lại chậm, khiến cho nguồn tiền thanh toán cho nông dân bị chậm trễ.
Tuy nhiên, đại diện của Tập đoàn Lộc Trời cam kết tiếp tục làm việc với các ngân hàng và đối tác để ưu tiên giải ngân tiền và chi trả tiền mua lúa cho nông dân. LTG cũng cam kết chi trả lãi suất 0,8% mỗi tháng (tương đương 9,6% mỗi năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở đi, và sẽ tiến hành trả tiền mỗi tuần, hoàn thành việc trả nợ đến ngày 20/5.
Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân yên tâm canh tác cho vụ sau, Lộc Trời sẽ cung cấp vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón và giống cây theo đúng tiến độ của mùa vụ Hè - Thu. Những khoản đầu tư này sẽ không tính lãi và được trừ trực tiếp vào tiền lúa sau khi thu hoạch. Đồng thời, họ cũng bố trí nhân viên tại các nhà máy, trụ sở và văn phòng của mình để có thể trao đổi thông tin kịp thời và đầy đủ với nông dân và các hợp tác xã.
Quý I/2024 Lộc Trời lỗ sâu, có hơn 800 tỷ đồng nợ khó đòi
Trong quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848,7 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng mạnh 65%, kéo lãi gộp LTG giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm từ 11% cùng kỳ xuống 6%.
Doanh thu tài chính kỳ này ở mức 33 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.
Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý vừa qua, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản LTG tăng 4% so với đầu năm lên 11.912,5 tỷ đồng. Trữ tiền ở mức 226 tỷ đồng, giảm sâu 63% so với đầu năm.
Đáng chú ý, doanh nghiệp có hơn 6.472 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm tới 54,3% tài sản của LTG. Trong đó phải thu CTCP Nông nghiệp Công nghệ Cao Đại Tài là 835,5 tỷ đồng (tăng tới 155% so với đầu năm), phải thu Công ty TNHH BVTV Duy Phát Kiên Giang 407 tỷ đồng, thu CTCP Nông nghiệp Công nghệ Cao Hiếu Nhân 404,2 tỷ đồng, thu CTCP Lương Thực Hưng Phước 643,5 tỷ đồng, phải thu Công ty TNHH Sản xuất TMDV Cường Nguyên Agri 765,4 tỷ đồng. Các khách hàng khác (không được thuyết minh) ở mức 3.472 tỷ đồng (chiếm tới 54% khoản phải thu ngắn hạn).
Tính tới 30/3/2024, Lộc Trời có 826,3 tỷ đồng nợ khó đòi, trong đó phải dự phòng tới hơn một nửa là 490 tỷ đồng dự phòng khó đòi. Nợ khả năng thu hồi thấp là 384,1 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm la 293,7 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm là 125,3 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm 13,7 tỷ đồng, quá hạn từ 3 năm trở lên gần 9,5 tỷ đồng...
Hàng tồn kho tăng mạnh 43%, đạt hơn 2.816 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 6% so với đầu năm lên gần 8.939 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn nhích nhẹ, đạt 6.246 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nợ, vay nợ dài hạn ở mức gần 81 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.