Ông Phạm Nhật Vượng chuyển sang làm Chủ tịch Vinfast, quyền lực lãnh đạo của doanh nghiệp thay đổi như thế nào?
(Thị trường tài chính)- Tập đoàn Vingroup vừa tuyên bố sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo cấp cao của Vinfast. Theo đó, Ông Phạm Nhật Vượng sẽ giữ chức vụ Tổng giám đốc và Bà Thủy sẽ thay Ông Vượng làm chủ tịch của Vinfast. Thực tế, từ trước tới nay, Ông Vượng được coi là người lãnh đạo cao nhất của Công ty này. Việc thay đổi này có làm thay đổi gì về quyền hạn và nhiệm vụ của Ông Vượng hay không và có khả năng tác động gì tới kết quả hoạt động của Vinfast hay không?
Trong Công ty cổ phần, có 2 vị trí cao nhất mà chúng ta thường thấy, là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng Giám đốc). Hai vị trí này đại diện cho 2 chủ thể khác nhau.
Chủ tịch đại diện cho Hội đồng quản trị, tức là đại diện cho cơ quan thường trực của Đại hội đồng cổ đông, cơ quan của các "Ông chủ", tức là các cổ đông của Công ty; còn Tổng Giám đốc thường là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhận nhiệm vụ đại diện cho doanh nghiệp trong các hoạt động đối nối và đối ngoại.
Chủ tịch thường được coi là lãnh đạo Công ty, thực hiện các chức năng lãnh đạo về mặt chiến lược, đường hướng ở tầm vĩ mô, còn Tổng Giám đốc là người quản lý, thực hành các giải pháp quản trị để tổ chức, triển khai, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch và chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị đặt ra. Trong mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, hai vị trí này cần có sự độc lập và tách biệt với nhau cả về mặt con người và phân định ranh giới chức năng, nhiệm vụ. Theo quy định tại khoản 2, Điều 156, Luật Doanh nghiệp 2020, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần là doanh nghiệp Nhà nước không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 162, Luật Doanh nghiệp 2020, "Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao". Về bản chất pháp lý, Tổng Giám đốc là người lao động của Công ty, được hưởng lương và các chế độ trợ cấp theo quy định của người sử dụng lao động. Khoản 1, Điều 162, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định "Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc".
Khoản 3, Điều 162, Luật Doanh nghiệp 2020, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Việc Ông Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Tổng Giám đốc dẫn tới người này phải thường xuyên xuất hiện ở các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp hơn, trực tiếp và sâu sát chỉ đạo các công việc có tính sự vụ của doanh nghiệp. Tất nhiên, Tổng Giám đốc có thể ủy quyền cho cấp dưới để thực hiện công việc của mình để giảm bớt sự xuất hiện trong các công việc hàng ngày và cụ thể của Công ty.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 156, Luật Doanh nghiệp 2020 "Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị".
Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông;
e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Lưu ý rằng, Chủ tịch là vị trí được bầu, được hưởng thù lao của Hội đồng quản trị và không phải là người lao động của doanh nghiệp.