Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Bá Dương là 5/6 cái tên của Việt Nam góp mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes thống kê tính đến 26/12/2023.

1. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,6 tỷ USD, đứng thứ 642 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Với thứ hạng này, ông Phạm Nhật Vượng hiện vẫn là người giàu nhất Việt Nam. Tỷ phú người Hà Tĩnh hiện đang sở hữu 691,274,400 cổ phiếu VIC của Vingroup, tương đương hơn 18% cổ phần.

Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ảnh 1

Sự kiện đáng chú ý nhất đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong năm 2023 chính là cổ phiếu VFS của Vinfast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - Nasdaq (một trong những sàn chứng khoán lớn nhất thế giới) vào ngày 15/8/2023. VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Công ty có giá trị vốn hóa ban đầu là hơn 23 tỷ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. với mã giao dịch VFS. 

Cuối tháng 8, cổ phiếu của Vinfast tăng kỷ lục lên hơn 82 USD/cp, theo cập nhật của Forbes hôm 29/8, thời gian cổ phiếu của Vinfast đạt đỉnh, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 66 tỷ USD, đứng ở vị trí 16 trong danh sách các tỷ phú USD của thể giới và là người giàu thứ 2 châu Á, chỉ sau tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani. 

Thế nhưng ngay sau thời gian này, cổ phiếu của Vinfast liên tục lao dốc khiến tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bốc hơi hơn 90%. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu Vinfast giao dịch ở mức 7,9 USD/cp. 

Với định giá tổng tài sản 4,6 tỷ USD, xem ra Forbes chưa bao gồm (hoặc có cách tính khác) giá trị của ông Vượng trong Vinfast, hãng xe điện đang được giao dịch cổ phiếu tại sàn Nasdaq Mỹ với tổng vốn hóa tính đến hôm nay là gần 19 tỷ USD.

2. Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Đứng vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng của forbes là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,4 tỷ USD. Tính đến ngày 26/12 bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 1.327 thế giới. Khối tài sản của bà Phương Thảo ghi nhận giảm so với mức 3,1 tỷ USD năm ngoái. 

Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet. Nữ tỷ phú nắm trong tay 47.470.914 cổ phiếu VJC và 93.618.412 cổ phiếu HDB. Với mức giá kết phiên 26/12 của VJC và HDB lần lượt là 108.000 đồng/cp và 19.200 đồng/cp, tài sản chứng khoán của nữ tỷ phú lên đến hơn 6.924 tỷ đồng.

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

3. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long

Vượt qua nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long vươn lên vị trí người giàu thứ 2 tại Việt Nam với tổng tài sản là 2,3 tỷ USD, xếp thứ 1.346 thế giới.

Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ảnh 3
Ông Trần Đình Long

Thời điểm Forbes công bố danh sách (tháng 4/2023), tài sản của ông Trần Đình Long mới ở con số 1,8 tỷ USD, giảm so với 3,2 tỷ USD năm 2022. Ông Trần Đình Long hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, nắm giữ 1,516,320,000 cổ phiếu HPG, tương đương 26% cổ phần của Hòa Phát. Từ tháng 4/2023 đến nay, cổ phiếu HPG đã tăng 32%, nâng tổng tài sản của ông Trần Đình Long lên 2,3 tỷ USD và tăng gần 60 thứ bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes. 

Về triển vọng giai đoạn 2024 - 2025, VNDirect đánh giá Hòa Phát đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. CTCK này dự báo doanh thu của tập đoàn năm 2024 sẽ đạt 130.145 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2023) và lợi nhuận ròng đạt 14.202 tỷ đồng (tăng 120% so với năm 2023). Sang năm 2025, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép có thể đạt 23.316 tỷ đồng.

Tương tự, SSI Research mới đây cũng đã điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận năm 2024 của Hòa Phát lên 11.200 tỷ đồng (tăng 82% so với năm 2023), chủ yếu do điều chỉnh tăng ước tính sản lượng tiêu thụ. Theo đó, SSI Research giả định sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC của Hòa Phát năm 2024 sẽ lần lượt đạt 4,24 triệu tấn và 2,9 triệu tấn (tăng 15,3% và 4,7% so với năm 2023).

4. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Ông Hồ Hùng Anh đứng thứ 2.148 trong danh sách Tỉ phú thế giới năm 2023 của Forbes tính đến 26/12 với tài sản 1,3 tỉ đô la Mỹ. Tài sản của ông Hồ Hùng Anh bị giảm 1 tỷ đô la Mỹ so với 1 năm trước đó. Thời điểm năm 2022, ông Hồ Hùng Anh từng đứng thứ 1.341 trong danh sách Tỉ phú thế giới năm 2022 của Forbes với tài sản 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng so với mức 1,6 tỉ đô la Mỹ năm 2021. Ông có tên trong danh sách lần đầu vào năm 2019 và có mặt tiếp tục từ đó đến nay.

Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ảnh 4

Ông Hồ Hùng Anh cũng đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12% vốn ngân hàng. Tính đến hết phiên 26/12, cổ phiếu của TCB đóng cửa ở mức 30,850 đồng/cp.

Ngoài ra, ba người con của ông Hồ Hùng Anh cũng sở hữu tổng cộng gần 416,8 triệu cổ phiếu, tương đương 11,85% cổ phần ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy -vợ ông Hùng Anh - sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu.

5. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương lọt vào danh sách tỷ phú USD từ năm 2018, hiện có 1,5 tỷ USD và xếp thứ 2.001 trong danh sách Tỉ phú thế giới của Forbes.

Tiết lộ khối tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ảnh 5
Ông Trần Bá Dương

 

Thaco được biết đến là một đại tập đoàn hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Thời điểm hiện tại, tập đoàn có vốn điều lệ khoảng 30.510 tỷ đồng và đứng thứ 5 trong top 500 doanh nghiệp mạnh nhất Việt Nam.

Theo tỷ phú Trần Bá Dương, Thaco hiện có 6 lĩnh vực ngành nghề gồm sản xuất kinh doanh ô tô; Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp; Logistics; Thương mại - Dịch vụ; Đầu tư Xây dựng. Tổng nhân sự của Thaco là hơn 60 ngàn người.

Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) do ông thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.

Tính đến hết tháng 5/2023, ông Trần Bá Dương nắm giữ 8.62% cổ phần của công ty Thaco Trường Hải. Vợ ông nắm giữ 4,94% cổ phần của Thaco Trường Hải.  Ông và vợ cùng sở hữu mức cổ phần lần lượt là 76% và 24% tại công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Oanh. Doanh nghiệp này nắm giữ đến 49.72% cổ phần của công ty ô tô Trường Hải.

Về tình hình kinh doanh của Thaco, sau nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế 1,076 tỷ đồng, giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 50,095 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1.8 lần của cùng kỳ năm trước lên 2.29 lần. Theo đó, Thaco có nợ phải trả lên đến hơn 114.7 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản vào khoảng 164.8 ngàn tỷ đồng.