HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Mất tiền tỷ trong tài khoản khi cài đặt phần mềm giả mạo

Túc Mạch

(Thị trường tài chính) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan mà mắc bẫy các đối tượng.

Vừa qua, Công an Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận, xác minh 01 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên.

Theo đó, vào ngày 15/8/2024, chị N (SN 1991) trú tại Cổ Đông, Sơn Tây có nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan Công an đề nghị chị đến cơ quan Công an định danh điện tử. Nếu chị bận không đến được theo lịch hẹn đối tượng có thể hỗ trợ trực tuyến bằng cách cài đặt phần mềm Cổng Thông tin Chính phủ.

Sau khi cài đặt xong phần mềm giả mạo này, chị N tá hỏa khi tài khoản ngân hàng bị mất hơn 600 triệu đồng. Biết mình bị lừa, chị N đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Hay như trường hợp của chị V (SN: 1982), trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng. Chị V có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Đan Phượng yêu cầu cài đặt phần mềm VNeID.

Sau đó, đối tượng gửi cho chị đường link cài đặt phần mềm VNeID “giả mạo” rồi yêu cầu chị chuyển tiền ngân hàng để đóng phí hồ sơ. Đối tượng tiếp tục yêu cầu chị quét mã QR xác thực khuôn mặt và chuyển OTP tài khoản ngân hàng.

Sau khi thực hiện xong các bước trên, chị V phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Mất tiền tỷ trong tài khoản khi cài đặt phần mềm giả mạo - ảnh 1
Nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo quen thuộc này

Trước thủ đoạn trên, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

“Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại”, Công an Thành phố Hà Nội cảnh báo.

Cũng theo lực lượng công an, khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.