HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán

PV

(Thị trường tài chính) - Sau 30 năm ra đời, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát nhằm minh bạch nền tài chính quốc gia.

Hoàn thiện khuôn khổ quy định nghề nghiệp

Theo khuyến cáo của Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI), các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên (SAI) cần phải xây dựng và ban hành hệ thống khuôn khổ quy định nghề nghiệp hay hệ thống các văn bản quy định về chuyên môn nghiệp vụ để trở thành một cơ quan thực hiện kiểm toán lĩnh vực công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.

Là thành viên của INTOSAI từ năm 1996, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, KTNN Việt Nam luôn tham khảo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn chuyên môn của INTOSAI một cách phù hợp theo từng thời kỳ. Khuôn khổ quy định nghề nghiệp của KTNN bao gồm: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Quy trình kiểm toán của KTNN, các quy định về tổ chức và hoạt động kiểm toán, các quy định về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đánh giá chất lượng kiểm toán...

Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán - ảnh 1
Hệ thống các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của KTNN ngày càng hoàn thiện

Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã ban hành ba hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành sau ngày càng hoàn thiện hơn và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN; đồng thời quy định cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Hiện nay, trước những yêu cầu mới, KTNN tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng cập nhật với hệ thống chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành; tuân thủ Luật KTNN và luật pháp của Việt Nam có liên quan; phù hợp với thể chế, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện, môi trường hoạt động và trình độ phát triển của KTNN.

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hệ thống chuẩn mực KTNN, KTNN đã xây dựng và hoàn thiện Quy trình kiểm toán của KTNN. Quy trình kiểm toán của KTNN quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện; được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật KTNN, hệ thống chuẩn mực KTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Đây là căn cứ để xây dựng các hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán như: Hướng dẫn kiểm toán ngân sách bộ, ngành, cơ quan trung ương; Hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương; Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của KTNN; Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp; Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng; Hướng dẫn kiểm toán công nghệ thông tin; Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Hướng dẫn kiểm toán môi trường; Hướng dẫn kiểm toán báo cáo tổng quyết toán; Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương…

Có thể nói, trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của KTNN đã không ngừng được hoàn thiện một cách toàn diện và từng bước chuyên nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của KTNN cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế; góp phần cùng với Luật KTNN tạo nên sự thống nhất và đồng bộ của khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Mặc dù vậy, trong nhiều thời điểm, các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN còn chưa được cập nhật kịp thời, rà soát thường xuyên khi có sự thay đổi của các quy định trong Luật KTNN và các luật liên quan; đồng thời, quá trình áp dụng vào thực tiễn hoạt động của KTNN còn có những vướng mắc, bất cập nhất định cần tiếp tục phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.

Với tầm quan trọng của hệ thống quy định nghề nghiệp tác động trực tiếp tới chất lượng kiểm toán, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định: “Giai đoạn 2021-2025:… tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN như: Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro theo từng lĩnh vực kiểm toán; tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán; hệ thống các Quy trình kiểm toán, Chuẩn mực KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số, trong đó tập trung rà soát hệ thống chuẩn mực KTNN đã ban hành, xây dựng Cẩm nang kiểm toán, Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán cho từng lĩnh vực. Giai đoạn 2026-2030:… rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng KTNN”.

Ngày 03/4/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký quyết định số 346/QĐ-KTNN thành lập Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN và quyết định số 347/QĐ-KTNN thành lập Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN.

Ban Chỉ đạo gồm 14 thành viên, Tổ soạn thảo gồm 35 thành viên.Theo kế hoạch, Tổ soạn thảo hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực KTNN sửa đổi, bổ sung trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trong tháng 6/2024 - chào mừng 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024).

Những điểm mới của Hệ thống Chuẩn mực sửa đổi năm 2024

Hệ thống chuẩn mực KTNN hiện hành đã ban hành được gần 8 năm. Đến nay, đã có những thay đổi về môi trường pháp lý, pháp luật KTNN, điều kiện và thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN. Đồng thời, qua 8 năm áp dụng Chuẩn mực KTNN, KTNN tổng kết, đánh giá những vấn đề phù hợp, không phù hợp, phân tích nguyên nhân để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, cập nhật. Cùng với đó, hệ thống ISSAI cũng đã được sửa đổi và ban hành thành Khung các Tuyên bố chuyên môn của INTOSAI (IFPP) năm 2019. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN.

Hệ thống Chuẩn mực được sửa đổi lần này có một số điểm mới so với Hệ thống Chuẩn mực ban hành năm 2016. Thứ nhất, KTNN cập nhật, bổ sung những nội dung mới trong Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành năm 2019, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thứ hai, đối với những quy định hoặc vấn đề mang tính chất hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mặt kỹ thuật, tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ không đưa vào hệ thống Chuẩn mực sửa đổi lần này. Những vấn đề đó sẽ được nghiên cứu, xây dựng thành các hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn các nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật cũng như vấn đề về tổ chức, quản lý trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo tính ổn định, tính linh hoạt trong việc thực hiện chuẩn mực sau này.

Thứ ba, để đảm bảo phù hợp với ISSAI, KTNN sẽ thay đổi số hiệu của Chuẩn mực KTNN cho phù hợp với số hiệu hệ thống ISSAI. Đồng thời, số lượng chuẩn mực sửa đổi lần này cũng tăng do bổ sung những chuẩn mực mới theo ISSAI. Đặc biệt, những nội dung cụ thể trong các chuẩn mực cũng sẽ được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới cũng như ISSAI mới.

Vấn đề cuối cùng, khi sửa đổi hệ thống Chuẩn mực, các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của KTNN, kiểm toán viên nhà nước cũng như các đơn vị được kiểm toán và các đối tượng có liên quan sẽ được quy định một cách rõ ràng hơn, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện tính minh bạch trong vấn đề tổ chức hoạt động kiểm toán.

Hệ thống Chuẩn mực được sửa đổi là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tạo dựng lòng tin, độ tin cậy của lãnh đạo các cấp, các đơn vị được kiểm toán và cộng đồng xã hội đối với hoạt động KTNN.

Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực cũng góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán. Điều này đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên nhà nước phải nâng cao năng lực, trình độ của mình. Đồng thời, việc sửa đổi các chuẩn mực còn hướng tới đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ kiểm toán, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức hoạt động kiểm toán; đảm bảo hài hòa với ISSAI, tạo thuận lợi để KTNN Việt Nam hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN năm 2024 Đoàn Xuân Tiên khẳng định, hệ thống Chuẩn mực KTNN không chỉ đóng vai trò là kim chỉ nam cho tổ chức, hoạt động của KTNN, mà đặc biệt giá trị về mặt pháp lý cho hoạt động kiểm toán của KTNN; là điều kiện đảm bảo tính chuyên nghiệp hoạt động kiểm toán của KTNN; đồng thời cũng là điều kiện để đảm bảo các vấn đề có tính nền tảng triết lý kiểm toán công.

Đây là cơ sở pháp lý cũng như các quy định có tính nguyên tắc và chuẩn chỉ, mực thước, mang tính bắt buộc đối với tổ chức, hoạt động KTNN, kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng liên quan. Đồng thời, Hệ thống Chuẩn mực cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề về phát triển bền vững cũng như nâng cao uy tín và độ tin cậy của KTNN.

Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trong thời gian tới.