HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương

(Thị trường Tài chính) - Một trong các nội dung được Kiểm toán nhà nước (KTNN) tập trung thực hiện trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nhà nước những năm qua là lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (TNKS).

Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Thực tế này đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về TNKS những năm vừa qua.

Một trong các nội dung được Kiểm toán nhà nước (KTNN) tập trung thực hiện trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nhà nước những năm qua là lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (TNKS).

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương - ảnh 1
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của TNKS đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, TNKS được lựa chọn là một trong những chủ đề kiểm toán trọng tâm của KTNN. Đơn cử, năm 2013, KTNN tổ chức kiểm toán chuyên đề “Cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác TNKS giai đoạn 2009-2012” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và 25 tỉnh, thành phố. Năm 2017, KTNN tiếp tục kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2014-2016” tại 8 tỉnh, thành phố và một số bộ ngành.

Mới đây nhất, trong năm 2022, KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021” với phạm vi kiểm toán tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, một số bộ ngành, tổng công ty. Các phát hiện qua hoạt động kiểm toán đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý và khai thác TNKS, từ đó đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn cao. Cụ thể:

Lấn cấn trong xác định tiền

Liên quan đến việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản, KTNN chỉ ra hàng loạt vấn đề nổi cộm: Địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu; đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch.

Thậm chí, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2017-2021, nhưng tỉnh lại chưa thực hiện đấu giá.

Cũng liên quan đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, KTNN phát hiện 3 tỉnh: Bình Phước, Phú Thọ, Bắc Kạn đã xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khai thác; tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang ban hành văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi cơ quan Thuế chậm… Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định, làm rõ cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với một số Quyết định để đảm bảo thu đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Quy hoạch thiếu đồng bộ

Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, KTNN cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định; các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp.

Còn tại tỉnh Yên Bái, tỉnh này quy hoạch thiếu nội dung “Đánh giá môi trường chiến lược theo từng giai đoạn”. Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Bình Định không thực hiện lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, không làm rõ các ý kiến, đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT trước khi ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của KTNN, việc thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác của một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản; hồ sơ cấp phép chuyển nhượng chưa đảm bảo quy định…

Thực tế khai thác nhiều mỏ không tuân thủ giấy phép được cấp

Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ TNMT cấp, KTNN nêu rõ, còn đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp, chậm nộp báo cáo định kỳ; có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 07 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.

Đồng thời, còn 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 05 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.

Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.

Đối với giấy phép của các địa phương cấp, KTNN phát hiện 02 địa phương bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đạt tiêu chuẩn quy định. Có giấy phép khai thác còn hiệu lực nhưng vẫn chưa thực hiện xây dựng cơ bản; mỏ chưa tiến hành khai thác nhưng chậm xây dựng cơ bản.

Một số địa phương có tình trạng đơn vị không làm thủ tục thuê đất nhưng vẫn thực hiện khai thác nhiều năm; chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai nhưng đã thực hiện khai thác; được cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất. Thậm chí, có tỉnh đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền thuê đất…

KTNN còn phát hiện tình trạng địa phương ban hành quyết định đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa nộp đủ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường; có địa phương ban hành quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ nhưng các đơn vị không thực hiện.

Thêm vào đó, có đơn vị bị thu hồi giấy phép thuộc trường hợp phải đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa lập đề án và tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng chưa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đáng chú ý, KTNN dẫn ra con số 145 mỏ đã hết hạn giấy phép nhưng đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục thực hiện đóng cửa mỏ…

Nhiều tỉnh chưa khoanh định và phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản

KTNN xác định, đến hết năm 2021, còn 6/11 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; 8 địa phương đã phê duyệt trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực nhưng chưa làm thủ tục phê duyệt lại và nhiều địa phương chậm thực hiện công tác khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Cùng với đó, liên quan đến việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định nhưng không còn phù hợp và tỉnh đã ban hành bổ sung 05 Quyết định khoanh định khu vực không đấu giá nhưng không thể hiện rõ các tiêu chí của khu vực không đấu giá.

Tại tỉnh Phú Thọ có tình trạng chậm tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tham mưu phê duyệt đưa vào khu vực không đấu giá mỏ cát chưa đảm bảo quy định. Trong khi đó, tỉnh Bình Định chưa tham mưu bổ sung điểm mỏ vào khu vực đấu giá, còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế lại có những bất cập trong tham mưu, phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Do đó, KTNN kiến nghị Bộ TNMT phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các tỉnh chưa thực hiện và chậm thực hiện công tác khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.