Điểm lại 14 lần tăng lương, 1/7/2024 là đợt tăng cao nhất trong lịch sử
(Thị trường tài chính) - Từ ngày 1/7/2024 tới đây, mức lương cơ sở dự kiến tăng 30%, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay.
Các giai đoạn tăng lương
Trong 20 năm qua, đã có tổng cộng 14 lần tăng lương cơ sở, từ mức 290 nghìn đồng (áp dụng vào thời điểm 1/10/2004) lên 1,8 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến nay). Lương cơ sở tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2004 – 2006, 2008 – 2013 và 2016 – 2019.
Từ năm 2004 – 2012, mức tăng lương cơ sở luôn đạt 2 con số, trong đó, “kỷ lục” là kỳ tăng lương ngày 1/10/2006, tăng 28,57% (từ 350 nghìn đồng lên 450 nghìn đồng). Kỳ tăng lương ngày 1/5/2012 có mức tăng cao thứ hai, khi tăng 26,5% so với mức liền kề trước đó, từ 830 nghìn lên 1,05 triệu đồng.
Ngày 1/7/2013, mức lương cơ sở tăng lên 1,15 triệu đồng, tăng 9,52% nhưng sau đó gần 3 năm lương cơ sở không tăng. Giai đoạn 5/2016 – 7/2019, lương cơ sở tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Mức tăng mỗi năm chỉ từ 90 – 100 nghìn đồng (5,2-7,4%).
Thực tế cho thấy, mức tăng này chưa mang lại nhiều ý nghĩa tích cực với người hưởng lương. Bởi chủ yếu để bù đắp phần trượt giá do giá cả hàng hóa tăng lên, nhiều người vẫn nói rằng, “lương đuổi theo giá”.
Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến việc cải cách tiền lương bị “lỗi hẹn”.
Lương cơ sở 3 năm (2020, 2021 và 2022) “dậm chân tại chỗ” ở mức 1,49 triệu đồng, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 (thời điểm tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng) đến hết năm 2022 tăng khoảng 10%.
Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở đối với khu vực công đã được tăng lên mức 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%, là mức tiệm cận với cải cách tiền lương. Cùng với đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo cũng được tăng lên.
Đợt tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 là đợt tưng cao nhất lịch sử, mang niềm vui tới hàng chục triệu người lao động đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.
Hàng chục triệu người được hưởng lợi
Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...
Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng lương từ 1/7/2024, lương hưu thấp nhất sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; tiền đóng BHYT theo hộ gia đình sẽ ở mức 1.263.000/năm đối với người thứ nhất, 844.520 đồng đối với người thứ 2, 758.160 đồng đối với người thứ 3, 631.800 đồng đối với người thứ 4 và 505.440 đồng đối với người thứ 5.
Sau tăng lương, mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất sẽ ở ngưỡng 11,7 triệu đồng; trợ cấp thai sản tăng từ 3,6 lên 4,68 triệu đồng/lần; trợ cấp mai tang từ 18 lên 23,4 triệu đồng; trợ cấp tuấn hằng tháng tăng từ 900.000 đồng lên 1,17 triệu đồng đối với thân nhân mỗi lao động qua đời, với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ hưởng mức trợ cấp 1,638 triệu đồng.
Với người hưởng lương hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; với người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, đối với mức lương tối thiểu vùng cũng áp dụng tăng 6% so với năm 2023, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng.
Cụ thể, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng). Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng). Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng). Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%. Cụ thể, vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.