Đề xuất Chính phủ quan tâm đến 500.000 chủ nhà trọ trên cả nước
(Thị trường tài chính) - Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 4/10, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu đã kêu gọi sự hỗ trợ từ Thủ tướng cho 500.000 chủ nhà trọ trên toàn quốc, những người đang cung cấp chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp, nhưng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước.
Bài toán nhà ở xã hội: Tăng nhà ở, giảm giá tiền
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã dành rất nhiều thời gian để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Hiện nay, doanh nghiệp và thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhấn mạnh rằng, đội ngũ doanh nhân hiện nay đã yên tâm và tự tin phát triển, khi cơ quan quản lý chỉ đạo tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Ông cho biết, các doanh nghiệp luôn hoạt động với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất, nhưng không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình kinh doanh. Do đó, ông mong rằng những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế dân sự cần được xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc dân sự thay vì hình sự hóa.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý cùng phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc cho hơn 500 dự án bất động sản, từ đó góp phần tăng nguồn cung và giảm giá nhà. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
"Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi cần phát triển nhiều dự án nhà ở thương mại với giá cả hợp lý, vừa túi tiền của người dân, đồng thời nỗ lực giảm giá nhà. Chúng tôi cũng phải tham gia tích cực vào việc xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội theo mục tiêu của Chính phủ. Ngoài ra, chúng tôi mong Thủ tướng quan tâm đến 500.000 chủ nhà trọ trên cả nước, những người đang cung cấp chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp tại các đô thị nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho hay.
Sau Covid-19, nhân lực ngành du lịch thiếu hụt 40%
Tại cuộc gặp mặt, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến ngành du lịch, ban hành một loạt các chính sách thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Trong đó phương châm phát triển du lịch Việt Nam đã được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ là sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận lợi, đơn giản, cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
Theo ông Bình, với những chính sách cụ thể như vậy, doanh nghiệp du lịch có điều kiện phát triển, đặc biệt là chính sách mới về visa đã góp phần tăng trưởng khách du lịch quốc tế.
“Năm 2024, toàn ngành du lịch quyết tâm phục hồi toàn diện, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2019, năm tăng trưởng kỷ lục trước đây của du lịch Việt Nam. Thực hiện mục tiêu này, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin.
Bên cạnh những kết quả cao về thu hút khách quốc tế, thu hút khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng rất nhanh, 8 tháng đầu năm đã đạt 90 triệu lượt khách du lịch, vượt qua cả năm 2019. Về thu nhập trong ngành du lịch, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu được 586.000 tỷ đồng, tăng 21% trong 8 tháng đầu năm 2019. Tuy rằng tình hình thế giới có nhiều yếu tố không ổn định, thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phấn đấu vượt qua các chỉ tiêu đã cam kết.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị Chính phủ tập trung phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là giao thông vận tải, để kết nối các điểm du lịch trong nước và quốc tế. Ông cũng đề xuất tăng cường vận tải đường sông, đường biển để hỗ trợ ngành du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch trọng điểm để thu hút khách.
Ông Bình nhấn mạnh, sau Covid-19, nhân lực ngành du lịch còn thiếu hụt, chỉ đạt 60-70% so với trước, vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc đào tạo và phát triển nhân lực. Về xúc tiến du lịch, ông đề xuất Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá, nâng cao tốc độ tăng trưởng du khách, và kiến nghị thành lập quỹ xúc tiến du lịch.
Trước các phát biểu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao những đề xuất, ý kiến tâm huyết và trách nhiệm từ các doanh nghiệp, doanh nhân tại hội nghị. Đồng thời, bày tỏ niềm tin và tự hào về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để phát triển và đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, đặc biệt trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính phủ luôn theo sát, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh.