Cơ chế nào cho quỹ phát triển đất?
(Thị trường tài chính) - Quỹ phát triển đất không phải là chính sách mới, nhưng suốt 20 năm qua đã làm tốt chức năng của mình trong việc sử dụng nguồn tiền từ sử dụng đất và huy động những nguồn khác phục vụ quá trình đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Bởi thế, các chuyên gia đề nghị cần tiếp tục duy trì cơ chế hoạt động cho Quỹ này.
Ý kiến trái chiều
Mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất được Luật Đất đai quy định lần đầu tiên từ năm 2003, từ đó đến nay sau 20 năm tồn tại Quỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cân đối vốn được cấp từ nguồn tiền sử dụng, thuê đất, đấu giá quyền sử dụng và huy động những nguồn vốn khác phục vụ công tác ứng vốn, chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư; đồng thời có chức năng tạo lập và phát triển quỹ đất cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại đề xuất 2 phương án về Quỹ phát triển đất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, gồm: Phương án bỏ điều quy định về Quỹ phát triển đất, nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ vào Tổ chức Phát triển quỹ đất và phương án giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất như kiến nghị của Chính phủ.
Theo lập luận của cơ quan thẩm tra dự án luật, Quỹ phát triển đất chỉ là một đơn vị trung gian của Tổ chức Phát triển quỹ đất, được giao nhiệm vụ tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tạo lập quỹ đất. Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai đang quy định đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, vì vậy không thống nhất với một số quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Trước đó, đầu năm 2023, Chính phủ cũng đã thông qua Tờ trình của Bộ Tài Chính về tổ chức hoạt động của Quỹ phát triển đất, trong đó quy định khi Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được ban hành thì các địa phương không thành lập mới quỹ phát triển đất. Kinh phí để thực hiện bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước và bố trí dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Phân tích về nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, tại Chương VIII dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ ràng về Tổ chức Phát triển quỹ đất là đơn vị có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. “Vì vậy, nếu bỏ quy định về Quỹ phát triển đất sẽ không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa những quy định của Luật Đất đai, đặc biệt sẽ thiếu đi cơ chế để triển khai thực hiện cơ chế về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Để tạo quỹ đất thực hiện các dự án đầu tư công, đầu tư theo phương tức công tư (PPP) hay thực hiện đấu giá quyền sử dụng, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm lựa chọn nhà đầu tư thì Quỹ phát triển đất có vai trò rất quan trọng trong việc ứng vốn cho Tổ chức Phát triển quỹ đất” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu bỏ Quỹ phát triển đất, thì các dự án do Tổ chức Phát triển quỹ đất thực hiện sẽ bị gò bó trong việc bố trí nguồn vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dẫn đến việc thiếu chủ động, linh hoạt trong việc tạo lập quỹ đất để triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng khu tái định cư... Đặc biệt sẽ kéo dài thời gian GPMB, làm chậm tiến độ triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời làm hạn chế tính khả thi và gia tăng nguồn thu trong đấu giá quyền sử dụng đất...
Cần thiết phải duy trì
Đánh giá thực tế về mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất và Tổ chức Phát triển quỹ đất trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa phát huy được vai trò do chưa được cấp đủ vốn thực hiện. Trong khi cơ chế tổ chức, vận hành, kiểm tra, kiểm soát, giám sát... chưa đầy đủ, nên tổ chức này không phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của mình. Nhưng đánh giá một cách khách quan, hoạt động của Quỹ gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế và quy định hoàn vốn.
Quỹ phát triển đất được thành lập theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào Nghị định 69/2009/NĐ-CP (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư), Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, Luật Đất đai năm 2003. Nhưng đến nay, Nghị định 69/NĐ-CP đã hết hiệu lực, Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước đã được thay thế và đang tiếp tục sửa đổi... nên Quỹ thiếu căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Còn đối với quy định về hoàn vốn, Quyết định 40/2010/QĐ-TTg quy định nguồn vốn hoàn ứng GPMB từ chủ đầu tư dự án, tiền đấu giá quyền sử dụng hoặc tiền sử dụng đất thông qua đấu thầu trước khi nộp ngân sách; nhưng Luật Đất đai năm 2013 lai quy định hoàn vốn từ ngân sách Nhà nước, sự thiết nhất quán trong đó đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho quá trình hoạt động của Quỹ.
Tuy nhiên, Quỹ phát triển đất được xem là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư, phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng, bảo đảm việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách. Cụ thể, với sự vận hành của Quỹ nên nguồn thu ngân sách từ đất không ngừng tăng mạnh theo các năm, nếu như năm 2015 chỉ đạt xấp xỉ 86.000 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 212.960 tỷ đồng và năm 2022 là gần 230.000 tỷ đồng.
“Theo cơ chế hiện tại thì Quỹ phát triển đất sẽ được trích lại 10% tổng thu từ đất ở địa phương để triển khai các hoạt động, con số không nhiều, nên đây là một trong những nguyên nhân Quỹ chưa phát huy được thế mạnh của mình. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giữ lại Quỹ phát triển đất theo kiến nghị của Chính phủ và xây dựng hoàn thiện hơn nữa để Quỹ phát huy hết vai trò, vừa góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách từ đất, điều tiết “địa tô chênh lệch” hiệu quả, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi; tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, đồng thời cũng là công cụ để điều tiết thị trường BĐS” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu phân tích.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Văn Khải cho rằng, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có tốc độ đô thị hóa nhanh thì Quỹ phát triển đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập quỹ đất sạch, phục vụ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh, có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ và từ các nguồn vốn khác.
Thực hiện ứng vốn và thu hồi vốn đã ứng cho Tổ chức Phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện việc bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch nhằm thực hiện những dự án đầu tư theo quy hoạch. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thông qua Quỹ sẽ tạo lập và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy, cần phải tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất.
Với vai trò quan trọng mà đất đai mang lại, việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất đã có những đóng góp to lớn giúp cho chính quyền địa phương các cấp trong việc tập trung nguồn lực tài chính nhằm kịp thời ứng vốn cho công tác bồi thường GPMB, tạo quỹ đất theo quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, những năm gần đây, Quỹ phát triển đất ở mỗi địa phương trên địa bàn cả nước ngày càng được đặc biệt quan tâm.
Luật sư, Thạc sĩ Đinh Thùy Dung – Hội Luật gia Việt Nam
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc xây dựng các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng là vô cùng cấp thiết và quan trọng, nhưng muốn làm được điều đó thì phải tạo lập được quỹ đất. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về Quỹ phát triển đất được xem là giải pháp chiến lược để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Trưởng ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Văn Khải