HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

“Chuyện lạ” ở gói thầu thi công cầu Gianh và Quán Hàu của BQL Dự án Đường sắt

An Vũ

(Thị trường tài chính) - Trong khi giá dự toán Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đường sắt đưa ra cho gói thầu thi công xây dựng cầu Gianh, cầu Quán Hàu và đường dẫn đầu cầu là hơn 731 tỷ đồng thì giá bỏ thầu của 8 nhà thầu tham dự lại thấp hơn dự toán từ 17% đến 26%. Đây là diễn biến khá "lạ" tại gói thầu này.

Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) vừa công bố kết quả mở thầu Gói thầu XL-CHQL1-03: Thi công xây dựng cầu Gianh, cầu Quán Hàu và các đường dẫn đầu cầu. Đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, với giá trị hơn 731 tỷ đồng và thời gian thực hiện 390 ngày.

Tuy nhiên, mức giá dự thầu giảm mạnh của các nhà thầu tham gia đang đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Theo thông tin công bố, có 8 nhà thầu tham dự gói thầu này, trong đó nhiều nhà thầu đưa ra mức giá giảm từ 17% đến hơn 26% so với giá gói thầu:

CTCP Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá thầu gần 540,7 tỷ đồng (giảm 26%).

Liên danh CTCP Giao thông xây dựng số 1 chào giá 561,7 tỷ đồng (giảm 23,2%).

CTCP Xây lắp 368 giảm giá với mức 558,2 tỷ đồng (giảm 23,4%).

Liên danh do Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP tham gia với giá thầu 604,7 tỷ đồng (giảm 17,3%).

Các liên danh khác, như CTCP Đầu tư Xây dựng Giao thông Phương Thành, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên, cũng giảm từ 17% đến hơn 20%.

Việc hàng loạt nhà thầu đưa ra mức giảm lớn đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của công tác lập dự toán đấu thầu và giá dự thầu trong quá trình thực hiện dự án.

Theo các chuyên gia, dự án xây dựng cầu và đường dẫn đòi hỏi kỹ thuật cao, sử dụng vật liệu đạt chuẩn để đảm bảo độ an toàn và tuổi thọ công trình. Tuy nhiên, với mức giảm giá hơn 20%, các nhà thầu có thể cắt giảm chi phí bằng cách nào? Khi giá thầu không phản ánh đúng chi phí thực tế, nhà thầu sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì dòng tiền, đặc biệt là với thời gian thực hiện kéo dài 390 ngày.

Một số ý kiến lo ngại rằng, nhà thầu có thể sử dụng chiến lược "phá giá" để giành hợp đồng, sau đó bù đắp bằng cách yêu cầu bổ sung chi phí thông qua các phát sinh hoặc điều chỉnh hợp đồng...

Mức giá bỏ thầu thấp hơn dự toán Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Đường Sắt đưa ra với tỷ lệ lớn của 8 nhà thầu cũng khiến dư luận băn khoăn về việc, liệu công tác lập dự toán của Ban Quản lý Dự án Đường sắt đã chuẩn? Chuyên trang Thị trường Tài chính- Báo Kinh tế và Đô thị sẽ thông tin trong các bài sau.