Chân dung nữ Giám đốc Xuyên Việt Oil dùng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu đi hối lộ
(Thị trường tài chính) - Thông tin mới nhất liên quan đến vụ án tại Xuyên Việt Oil, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công An cho biết, bà Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Xuyên Việt Oil và đồng phạm đã sử dụng trái phép nguồn tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường vào mục đích kinh doanh và cá nhân; thiết lập mối quan hệ và đưa hối lộ.
Dùng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu đi hối lộ
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 6/7, phóng viên đã đặt câu hỏi đối với đại diện Bộ Công an về diễn biến điều tra vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên -Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đối với vụ án Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức khác, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can theo 5 nhóm tội danh.
Trong quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã lợi dụng chức danh quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để được cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
"Đối với bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil-PV) và đồng phạm, đã sử dụng trái phép nguồn tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường vào mục đích kinh doanh và mục đích cá nhân. Ngoài ra, Hạnh đã sử dụng một phần tiền này để thiết lập các mối quan hệ, đưa hối lộ", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin.
Ông Tuyên cũng khẳng định, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã lợi dụng chức danh quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để được cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
"Đối với bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil-PV) và đồng phạm, đã sử dụng trái phép nguồn tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường vào mục đích kinh doanh và mục đích cá nhân. Ngoài ra, Hạnh đã sử dụng một phần tiền này để thiết lập các mối quan hệ, đưa hối lộ", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin.
Ông Tuyên cũng khẳng định, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chân dung Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh
Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979) là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Xuyên Việt Oil - góp 2.940 tỷ đồng, tương ứng 98% vốn. Ngoài là, bà Hạnh còn là đại diện tại nhiều pháp nhân có vốn lớn khác như: CTCP Cảng Việt Oil, Công ty TNHH Thành Phong, CTCP Việt Oil.
CTCP Cảng Việt Oil thành lập tháng 6/2017, ngành nghề chính là dịch vụ cảng và bến cảng. Vốn điều lệ tại tháng 1/2019 tăng từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thành Phong thành lập năm 2001, vốn điều lệ tại tháng 12/2021 là 12 tỷ đồng trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 96,7% vốn, còn lại 3% là của Nguyễn Thị Như Phương.
CTCP Việt Oil (thành lập tháng 12/2021) có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Xuyên Việt Oil nắm 65% vốn, bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 17% vốn, Mai Tuấn Kiệt góp 15% và Nguyễn Thị Như Phương góp 3%.
Dữ liệu cho thấy, khoảng 1 năm trước khi bị bắt, bà Mai Thị Hồng Hạnh từng dùng giấy chứng nhận phần vốn góp (98% vốn) của mình tại Xuyên Việt Oil đem thế chấp tại một ngân hàng cho hợp đồng vay phát sinh vào tháng 9/2022.
Ngoài thế chấp cổ phần tại Xuyên Việt Oil, cũng trong tháng 9/2022, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã dùng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành Phong với tỉ lệ sở hữu 96,7% đem thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.
Trước đó, vào tháng 8/2022, nữ đại gia xăng dầu đã từng cầm cố chiếc ô tô mang thương hiệu Lexus biển kiểm soát 51F–216.70 để đảm bảo cho một khoản vay tại một ngân hàng chi nhánh 4 TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài các khoản vay của cá nhân lãnh đạo, vài năm gần đây Công ty Xuyên Việt Oil từng phát sinh nhiều hợp đồng tín dụng với giá trị khoản vay khác nhau tại các ngân hàng.
Hàng nghìn tỷ đồng nợ vay bị ngân hàng đưa vào diện nợ xấu
Xuyên Việt Oil liên tục tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 50 tỷ đồng (năm 2016) lên 3.000 tỷ đồng (tháng 6/2018).
Cụ thể, tháng 4/2016, vốn Xuyên Việt Oil đạt 50 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 95%, Đỗ Thị Bảo Khuyên nắm 5%. Đến tháng 12/2016, Công ty tăng vốn lên 200 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu vẫn bà Hạnh nắm 95% và bà Khuyên năm 5%.
Vào tháng 4/2017, bà Đỗ Thị Bảo Khuyên chuyển 5% sở hữu sang cho cổ đông mới là Hoàng Minh Trọng. Sau đó một tháng, cơ cấu sở hữu Công ty tiếp tục biến động khi cổ đông Hoàng Minh Trọng thoái vốn và xuất hiện bà Mai Thị Ngọc Trinh với vốn góp 40 tỷ đồng (20%) và bà Mai Thị Hồng Hạnh góp 160 tỷ đồng (80%).
Đến tháng 4/2019, Xuyên Việt Oil tăng vốn lên 900 tỷ đồng, sau đó 6 tháng công ty tăng vốn tiếp lên 1.100 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu vẫn là bà Hạnh nắm 80% và bà Trinh góp 20%.
Và đến lần thay đổi thứ 14 ngày 9/8/2022, vốn Công ty tăng lên 3.000 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm tới 98% vốn, bà Mai Thị Ngọc Trinh nắm 2% vốn còn lại.
Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, quá trình hoạt động gần đây, doanh nghiệp này không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tính đến 31/12/2022, Xuyên Việt Oil nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đi lùi khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỷ đồng, giảm 10.446 tỷ đồng (46,7%) so với năm 2021. Lợi sau thuế lỗ 800 tỷ đồng, năm trước đó lỗ 720 tỷ đồng. Nâng lỗ lũy kế lên 3.533 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 533 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil tại 31/12/2022 ghi nhận 8.483 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cuối năm 2021. Nợ phải trả giảm 30% xuống 9.015 tỷ đồng. Trong nợ vay ngắn hạn tăng 145% lên 5.844 tỷ đồng.
Hiện, Xuyên Việt Oil đang có các khoản nợ tại một số ngân hàng thương mại, với tổng dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong số đó, ngân hàng B là chủ nợ lớn nhất với dư nợ hơn 2.000 tỷ đồng theo 2 hợp đồng tín dụng. Trong đó, một khoản vay trị giá 789 tỷ đồng và khoản còn lại 1.365 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều được ngân hàng đưa vào diện nợ xấu.
Bên cạnh đó, Xuyên Việt Oil cũng nợ 1.450 tỷ đồng tại một ngân hàng khác, bao gồm khoản vay gần 953 tỷ đồng và 60,8 triệu USD. Tương tự, khoản nợ này cũng đã được ngân hàng này đưa vào diện nợ xấu.
Ngoài các khoản nợ trên, Xuyên Việt Oil còn có các khoản vay tại hai ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, một khoản 815 tỷ đồng và một khoản gần 78 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay 815 tỷ cũng đã được đưa vào diện nợ xấu, khoản vay 78 tỷ thậm chí còn bị đưa vào diện nợ có khả năng mất vốn.