Vụ vỡ đập thủy điện 'khổng lồ' khiến 171.000 người thiệt mạng, cuốn phăng hơn 5 triệu ngôi nhà, là thảm họa vỡ đập đáng sợ nhất lịch sử Trung Quốc
(Thị trường tài chính) - Với sức chứa tương đương 240.000 bể bơi Olympic, vụ vỡ đập thủy điện này vẫn được coi là thảm họa vỡ đập nghiêm trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thảm họa vỡ đập kinh hoàng đáng sợ nhất lịch sử Trung Quốc
Đập Bản Kiều, nằm trên sông Nhữ tại địa cấp thị Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, là một công trình thủy điện quy mô lớn được xây dựng từ những năm 1950. Ban đầu, con đập là một trong những dự án lớn của Trung Quốc và sau đó được các kỹ sư Liên Xô gia cố thêm.
Tuy nhiên, vào năm 1975, Đập Bản Kiều đã phải đối mặt với siêu bão Nina, khiến lượng mưa trong ba ngày liên tiếp lên tới 1605,3mm. Điều này đã tạo ra áp lực nước khổng lồ, vượt quá khả năng chịu đựng của đập và gây ra một trong những thảm họa vỡ đập nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Vào rạng sáng ngày 8/8/1975, đập Bản Kiều bị vỡ, dẫn đến dòng nước lũ khổng lồ cao hơn 7m tràn xuống các khu vực lân cận. Khu vực xã Văn Thành, gần đập nhất, gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. Trong vòng một giờ, lũ nước đã tiến xa tới huyện Toại Bình, cách đó 45km, với bề rộng lũ đạt đến 10km. Do không có cảnh báo sớm về sự cố vỡ đập, nhiều người dân đã bị lũ lụt tấn công bất ngờ, khiến hàng trăm nghìn người thương vong trong thảm họa này.
Con đập Thạch Mạn Than ở thượng nguồn sông đã bị vỡ trước, tạo ra một bức tường nước khổng lồ dội vào đập Bản Kiều Hàng loạt hồ chứa khác, bao gồm Trúc Câu và Điền Cương, cùng 58 hồ chứa nhỏ đã sụp đổ chỉ trong vài giờ. Sự cố này gây ra hiệu ứng dây chuyền, khi nhiều hồ chứa dọc dòng sông Hoài ở khu vực trung và hạ lưu cũng bị phá hủy với sức mạnh khủng khiếp. Người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng không kịp nhận được cảnh báo và không thể thoát thân, khiến hàng loạt người thiệt mạng trong trận lũ dữ.
Thảm họa đã làm cho 7 huyện, bao gồm Toại Bình, Tây Bình, Nhữ Nam, Bình Hưng, Tân Thái, Loa Hà và Lâm Tuyền, chìm trong biển nước với độ sâu lên đến vài mét, biến những khu vực này thành vùng ngập lụt nghiêm trọng.
Theo cơ quan thủy văn tỉnh Hà Nam, thảm họa vỡ đập Bản Kiều đã gây ra hậu quả nặng nề với 26.000 người thiệt mạng trong đợt lũ lụt và 145.000 người khác thiệt mạng hoặc mất tích sau đó do dịch bệnh và nạn đói. Hơn 5,96 triệu ngôi nhà bị phá hủy, khiến khoảng 11 triệu người mất nhà cửa. Thảm họa còn phá hủy hơn 100km tuyến đường sắt Bắc Kinh-Quảng Châu, làm gián đoạn giao thông trong 18 ngày và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong 48 ngày. Thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới khoảng 10 tỷ nhân dân tệ, con số này được công bố vào năm 2005.
Sự cố cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc. Nhà máy thủy điện Bản Kiều, với công suất 18GW, tương đương với 9 nhà máy nhiệt điện hoặc 20 lò phản ứng hạt nhân, được xem là nguồn năng lượng chính, có khả năng đáp ứng 1/3 nhu cầu sử dụng năng lượng cao điểm của Vương quốc Anh.
Nguyên nhân đằng sau vụ vỡ đập kinh hoàng
Đập Bản Kiều được xây dựng trên sông Nhữ, tại Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, và hoàn thành vào năm 1952 như một phần của chiến dịch "Chế ngự sông Hoài". Mục tiêu chính của công trình là kiểm soát lũ lụt, vốn gây thiệt hại nặng nề cho khu vực trong những năm trước đó, đồng thời cung cấp nước tưới tiêu cho đất nông nghiệp trong lưu vực sông Hoài, nơi sinh sống của khoảng 170 triệu người.
Lõi của con đập được cấu tạo từ hàng tấn đất sét không thấm nước, bao bọc bởi lớp cát dày, giúp duy trì cấu trúc ổn định. Với chiều cao tương đương một tòa nhà tám tầng, đập Bản Kiều có sức chứa lên đến 158 tỷ gallon nước, tương đương 240.000 bể bơi Olympic, giúp ngăn dòng nước tràn xuống các ngôi làng bên dưới.
Ngay sau khi đập Bản Kiều hoàn thành vào năm 1952, các vết nứt bắt đầu xuất hiện. Theo International Rivers, những khiếm khuyết này đã khiến con đập phải trải qua quá trình cải tạo vào giai đoạn 1955-56, đưa đập Bản Kiều trở thành một "con đập thép" được coi là bất khả chiến bại. Giới chức Trung Quốc tin rằng công trình này đủ vững chắc để chịu được các trận lũ lụt kéo dài cả trăm hoặc thậm chí cả nghìn năm.
Tuy nhiên, năm 1975, thảm họa kinh hoàng đã xảy ra, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Nhiều chuyên gia cho rằng sai sót trong quá trình thiết kế và xây dựng đập đã góp phần dẫn đến vụ vỡ đập nghiêm trọng này.
Ông Chen Xing, một chuyên gia thủy văn Trung Quốc, đã tham gia vào quá trình xây dựng đập Bản Kiều và từng cảnh báo về rủi ro trong chính sách xây dựng đập của chính phủ. Ông lo ngại rằng việc xây dựng quá nhiều đập và hồ chứa có thể làm mực nước ngầm ở tỉnh Hà Nam tăng cao vượt mức an toàn, dễ dẫn đến thảm họa. Chen Xing cũng đã đề xuất xây dựng 12 cửa xả nước cho đập Bản Kiều, nhưng chỉ có 5 cửa được phê duyệt.
Trong quá trình xây dựng, các sai sót kỹ thuật tại đập Bản Kiều ngày càng gia tăng. Các công nhân không có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ chứa, dẫn đến sự hình thành các vết nứt trên các cửa xả và cả thân đập. Mặc dù sau đó những vết nứt này đã được khắc phục với sự giúp đỡ của các kỹ sư Liên Xô nhưng việc thiếu bảo dưỡng và kiểm tra thường xuyên đã khiến công trình không đủ khả năng đối phó với những trận mưa lớn.
Kỹ sư Dan Wade, chuyên gia về cơ sở hạ tầng tài nguyên nước tại GEI Consultants ở California (Mỹ), đã cảnh báo rằng "các con đập cần được bảo trì suốt đời giống như những sinh vật sống." Tuy nhiên, với đập Bản Kiều, ông nhấn mạnh rằng không có hồ sơ nào ghi nhận việc bảo dưỡng sau khi đập được xây dựng.
Chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố rằng đập Bản Kiều được thiết kế để chịu được trận lũ với tần suất 1.000 năm một lần, với lượng mưa dự tính khoảng 300mm mỗi ngày. Thế nhưng, năm 1975, khu vực này đã hứng chịu một trận mưa lịch sử với tần suất 2.000 năm, gây ra lượng mưa lên đến 697 tỷ m³, trong khi đập chỉ được thiết kế để chứa tối đa 492 tỷ m³ nước.
Trong ba ngày, khu vực này nhận lượng mưa khoảng 1.397mm, và đôi lúc lên tới 1.600mm—gấp đôi lượng mưa thường niên. Điều này khiến mực nước của hồ chứa tăng lên 113m, vượt ngưỡng an toàn của đập khoảng 4,3m.
Vào thời điểm đó, đập Bản Kiều đang đối diện với nguy cơ nghiêm trọng. Kỹ sư Wade lưu ý: "Đập đất có thể an toàn như đập bê tông nếu chúng được xây dựng đúng cách. Nhưng một đập đất có điểm yếu căn bản là cần tránh tràn đập bằng mọi cách. Nước chảy qua một đập đất sẽ cuốn trôi vật liệu cát, đất sét hoặc đất ban đầu ở đỉnh của đập, sau đó sẽ xói mòn dần dần, dẫn đến sự sụp đổ".
Khi cơn bão đầu tiên đổ bộ, nước lũ từ sông Nhữ cần được xả qua các cửa xả lũ của đập Bản Kiều. Tuy nhiên, ban đầu các nhà quản lý đập được yêu cầu giữ cửa xả đóng lại. Lý do là vì việc mở cửa xả có thể làm gia tăng lũ lụt ở khu vực hạ lưu, nơi cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão.
Tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi các hệ thống liên lạc bị gián đoạn bởi bão, làm cho những người điều hành đập không nhận được thông tin kịp thời và chậm trễ trong việc mở 5 cửa xả lũ. Khi họ quyết định hành động, phù sa đã tích tụ và làm tắc nghẽn một phần các cửa xả.
Sau khi đập Bản Kiều vỡ, dòng nước ồ ạt chảy xuống thung lũng với tốc độ lên tới 50km/h, gây ra một hiệu ứng domino, cuốn trôi thêm 60 con đập khác. Trong vài phút, nhiều ngôi làng cùng hàng nghìn cư dân bị nhấn chìm trong nước lũ.
Chỉ trong vòng 6 giờ sau khi thảm họa xảy ra, ước tính khoảng 26.000 người thiệt mạng, phần lớn trong số đó đang ngủ. Do các đường dây liên lạc bị cắt đứt, không có cơ hội cho bất kỳ cuộc sơ tán quy mô lớn nào.
Tổng hợp