Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua AI ở Đông Nam Á?
(Thị trường tài chính) - Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á đang cạnh tranh để trở thành trung tâm AI hàng đầu thế giới, trong một cuộc đua đầy phức tạp với sự hợp tác và cạnh tranh âm thầm giữa các quốc gia trong khu vực.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với 10 quốc gia và tổng dân số 672 triệu người, sở hữu những lợi thế đáng kể so với các khu vực phát triển như châu Âu và Mỹ.
Với hơn 200 triệu người trong độ tuổi 15-34, dân số trẻ và am hiểu công nghệ của khu vực tạo nên một tiềm năng to lớn trong việc thích ứng với các tiến bộ công nghệ tương lai.
Một số chuyên gia cho rằng Đông Nam Á có thể tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng số hiện có. Trong thập kỷ qua, các quốc gia ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc trong việc mở rộng truy cập internet, hình thành "một thế hệ dân số kỹ thuật số sẵn sàng tiếp cận và đổi mới sáng tạo với AI".
Với tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh từ 65% đến 90%, việc phát triển AI trong khu vực dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo Grace Yuehan Wang - Giám đốc điều hành của Network Media Consulting và học giả tại Trường Kinh tế London, không có quốc gia ASEAN nào được dự báo sẽ dẫn đầu cuộc đua AI trong thời gian gần.
“ASEAN là một khu vực có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong những năm gần đây và chắc chắn là một trong những khối có nền kinh tế phát triển nhất thế giới trong tương lai gần”, bà cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Một cơ sở hạ tầng số phát triển, giáo dục nhân tài kỹ thuật cao trong ngành công nghệ, bao gồm cả AI, cũng như các trường đại học hàng đầu thế giới (cả STEM - khoa học, công nghệ, kinh tế và toán học), các hợp tác nghiên cứu và công nghiệp thành công là những yếu tố vẫn thiếu trong hệ sinh thái AI của ASEAN”, bà nói.
Hiện tại, cuộc cạnh tranh AI giữa các quốc gia ASEAN chủ yếu tập trung vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và thiết lập các hợp tác với các trường đại học quốc tế uy tín.
Singapore chiếm ưu thế
10 quốc gia thành viên ASEAN đều đã công bố chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, Singapore được coi là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về AI. Là một trong những nước đầu tiên công bố tầm nhìn AI vào năm 2019, Singapore đã liên tục cập nhật kế hoạch của mình, với bản mới nhất vào tháng 12 năm 2023.
Quốc đảo này đặt mục tiêu mở rộng lực lượng lao động AI lên 15.000 người gấp 3 lần so với hiện tại, đồng thời phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển. Trong nỗ lực này, chính phủ cam kết đầu tư 1 tỷ SGD (tương đương 741 triệu USD) trong 5 năm tới.
Quốc gia này có vẻ đã chiếm ưu thế, “nhờ vào R&D, nền kinh tế, hệ thống giáo dục và vị thế kinh doanh quốc tế,” Wang cho biết.
Singapore đứng đầu trong chỉ số Sẵn sàng AI Châu Á - Thái Bình Dương 2023 của Salesforce, đánh giá 12 quốc gia. Các quốc gia ASEAN khác, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan, đứng thấp hơn trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 8 đến thứ 12.
AI ‘bản địa hóa’ cho các quốc gia đang phát triển
Dẫu vậy, sức mạnh của Singapore dường như không ngăn cản được khát vọng của các quốc gia láng giềng.
Việt Nam đang đặt cược vào sự phát triển của AI, tận dụng thế mạnh trong việc lắp ráp, kiểm tra và đóng gói khi đáp ứng nhu cầu toàn cầu về chip với tham vọng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển giải pháp AI của ASEAN vào năm 2030, thu hút các khoản đầu tư quốc tế, như khoản 1 tỷ USD từ ngành sản xuất Hàn Quốc đến năm 2025.
Một dấu ấn quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực AI là việc VinAI, một phần của tập đoàn Vingroup, đã phát triển PhoGPT, một mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở được thiết kế riêng cho người dùng Việt Nam.
Campuchia cũng đang tìm cách tận dụng AI cho các ngành công nghiệp truyền thống. Một báo cáo chi tiết 60 trang của quốc gia này cho thấy kế hoạch sử dụng AI để nâng cao công nghệ nông nghiệp, một ngành chiếm 22% GDP và cung cấp việc làm cho khoảng 3 triệu người vào năm 2018.
Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN đang phát triển đang gặp phải nhiều thách thức lớn trong việc sẵn sàng và triển khai chính sách AI, với mức độ phát triển số không đồng đều như Singapore.
Kristina Fong, nhà nghiên cứu chính về các vấn đề kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhấn mạnh rằng cần phải hoàn thiện và củng cố các quy định trước khi tiến hành một cách có thẩm quyền về AI.
Bà cảnh báo rằng các tác động tiêu cực của AI có thể xảy ra nhanh chóng và mạnh mẽ nếu thiếu sự giám sát của các tổ chức, do đó cần thiết phải có các cuộc thảo luận ở cấp nhà nước để quản lý những phát triển công nghệ này với tác động xã hội tối thiểu.
Tách biệt với EU
Các quốc gia ASEAN đã phát hành một hướng dẫn khu vực về quản trị và đạo đức AI vào tháng 2. Trước đó một năm, các quan chức EU đã cố gắng thuyết phục ASEAN tuân theo các quy định về AI của mình.
Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN cho rằng EU đã quá vội vàng áp dụng quy định mà chưa hiểu hết các rủi ro của AI.
Theo Fong, khối các quốc gia Đông Nam Á này đã chọn một con đường riêng trong quản trị AI, với phương pháp "tiếp cận nhẹ nhàng" được cho là phù hợp nhất với khu vực.
Theo CNBC