Siêu cường châu Á tiết lộ dự án tuabin gió trên cạn mạnh nhất thế giới, công suất 16MW
(Thị trường tài chính) - Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu suất khai thác năng lượng sạch, đặc biệt tại các khu vực có điều kiện khắc nghiệt tại Trung Quốc.
Công ty Windey Energy (Trung Quốc) vừa công bố kế hoạch chế tạo tuabin gió trên cạn mạnh nhất thế giới, với công suất 16MW. Đây là dự án thuộc chương trình “Giới thiệu sáng kiến khoa học và công nghệ” của khu Nội Mông, theo Interesting Engineering.
Windey cho biết mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển tuabin gió cỡ lớn, thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong ngành điện gió trên đất liền và đồng thời hỗ trợ tích hợp với lưới điện.
Trọng tâm của họ là những đột phá về thiết kế tuabin, công nghệ cánh quạt và kiểm soát độ ổn định. Nguyên mẫu 16MW sẽ được phát triển với quyền sở hữu trí tuệ độc lập, giúp khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên gió trên cạn.
Có trụ sở tại Hàng Châu, Windey đã ghi dấu ấn quan trọng từ cách đây 50 năm khi chế tạo một trong những tuabin gió đầu tiên kết nối với lưới điện Trung Quốc. Hiện tại, với 4.000 nhân viên - trong đó có 700 kỹ sư nghiên cứu và phát triển - công ty sở hữu nguồn nhân lực dày dạn kinh nghiệm để triển khai dự án này.
Gần đây, Windey cũng đã lắp đặt tuabin gió đầu tiên tại dự án Osakarovka 150 MW – trang trại điện gió lớn nhất Trung Á. Quá trình thi công sử dụng cần trục hạng nặng để nâng rotor 160 tấn lên độ cao 120m và lắp ráp với thanh trục.
Dự án bao gồm 21 tuabin WD200-7700IW, dự kiến sẽ cung cấp 223 triệu kWh điện sạch mỗi năm từ tháng 12/2025, giúp giảm tiêu thụ hơn 70.000 tấn than đá.
Không dừng lại ở đó, Windey còn đang phát triển thế hệ tuabin gió siêu lớn dành cho khu vực sa mạc Gobi, với công suất từ 10 - 15 MW.
Các tuabin này sẽ được trang bị cánh quạt siêu lớn làm từ vật liệu carbon - thủy tinh do công ty tự nghiên cứu, giúp giảm 15% trọng lượng, tăng 10% hiệu suất và nâng lượng điện sản xuất thêm 15%.
Bên cạnh đó, Windey cũng tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như sơn phủ hiệu suất cao, thiết kế kín, hệ thống làm mát và chống ngưng tụ nhằm tối ưu độ bền của tuabin trong môi trường khắc nghiệt như nhiệt độ cao, bão bụi và điều kiện lạnh cực hạn.
Ngoài ra, thiết kế module linh hoạt cho phép vận chuyển thuận tiện trên đất liền và lắp ráp theo phương pháp nâng từng cánh, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng.
Theo Interesting Engineering