Quốc gia từng lạm phát 500 tỷ % phát hành tờ tiền mệnh giá 100.000 tỷ
(Thị trường tài chính) - Ở quốc gia này năm 2008, giá cả từng tăng ít nhất 2 lần mỗi ngày và người dân phải mang những bao đựng tiền lớn để mua những món đồ “bình dân” như bánh mì, bó rau…
Zimbabwe từng là một trong những đất nước giàu nhất châu Phi nhưng cũng từng trải qua một giai đoạn kinh tế hỗn loạn với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử thế giới. Thời đỉnh điểm năm 2008, lạm phát của Zimbabwe lên tới 500 tỷ %.
Cụ thể, giá cả tại Zimbabwe từng tăng ít nhất 2 lần mỗi ngày và người dân phải mang những bao đựng tiền lớn để đi mua những món đồ “bình dân” như bánh mì, bó rau…Thậm chí, một ổ bánh mì từng có giá hơn 500 triệu đôla Zimbabwe vào năm 2008.
Bởi vậy, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (RBZ) đã cho phát hành tờ tiền mệnh giá lên đến 100.000 tỷ đô la Zimbabwe - tờ tiền mệnh giá cao nhất thế giới cho đến nay.
Được biết, siêu lạm phát ở Zimbabwe vốn bắt đầu từ cuối những năm 1990 và đạt đỉnh vào khoảng năm 2008. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, điển hình là vì chính sách tài chính không bền vững.
Được biết, Chính phủ Zimbabwe dưới thời Tổng thống Robert Mugabe từng tiến hành chính sách chi tiêu vượt mức mà không có nguồn thu hợp lý. Chi tiêu quân sự, trợ cấp nông nghiệp và các chương trình phúc lợi xã hội được tài trợ bằng việc in thêm tiền, dẫn đến sự mất giá của đồng nội tệ.
Hay vào những năm 2000, sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe đã sụt giảm không phanh. Tình trạng thiếu lương thực xảy ra liên tục và nhiều người phải chịu cảnh đói nghèo. Trong bối cảnh thiếu lương thực cơ bản kéo dài nhiều năm, RBZ đã đẩy mạnh in tiền để nhập khẩu hàng hóa. Kết quả là lạm phát tăng vọt.
Song song là tỷ lệ thất nghiệp đi lên chóng mặt, hàng loạt dịch vụ công cộng tê liệt, và nền kinh tế Zimabwe giảm 18% trong năm 2008 đó.
Cuối cùng, tình trạng siêu lạm phát đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống tiền tệ của Zimbabwe. Vào năm 2009, Chính phủ Zimbabwe buộc phải từ bỏ đồng nội tệ và chuyển sang sử dụng ngoại tệ, chủ yếu là USD, đồng rand Nam Phi và đồng euro, để ổn định nền kinh tế.
Đầu tháng 4 năm nay, Zimbabwe tung ra loại tiền tệ có tên Zimbabwe Gold (ZiG), được hỗ trợ bằng vàng. Đây là đồng tiền quốc gia thứ 6 của Zimbabwe trong 15 năm qua. Nó thể hiện nỗ lực mới nhất nhằm thay thế đồng đô la Zimbabwe, vốn đã bị mất giá và thường bị từ chối giao dịch.
Hiện tại, USD cũng đang chiếm hơn 80% giao dịch trong nước của Zimbabwe và Thống đốc RBZ John Mushayavanhu muốn tỷ lệ này giảm còn 50% vào năm 2026.
Nhưng thực tế, sức hấp dẫn của USD vẫn còn lớn. Trên khắp Zimbabwe, đồng USD vẫn được sử dụng rộng rãi để trả tiền thuê nhà, học phí hay mua đồ tạp hóa. Thậm chí, nhiều người, gồm cả nhân viên Chính phủ còn mang thu nhập bằng nội tệ của mình ra thị trường chợ đen để đổi lấy USD.
Ross Martin, một Giám đốc thương mại tại Travelex cho biết: “Ở Zimbabwe, nhu cầu USD là rất lớn”. Một người khác thì cho rằng tư duy tại Zimbabwe là “vì tôi có ngoại tệ, tôi không phải lo lắng về việc mất giá tiền tệ”.
Sự sụp đổ của đồng tiền Zimbabwe đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế và đời sống của người dân. Mặc dù nền kinh tế Zimbabwe đã có dấu hiệu phục hồi trong những năm gần đây, nhưng những “rạn nứt” từ giai đoạn siêu lạm phát vẫn còn hiện rõ, với tỷ lệ nghèo đói cao và hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá.
Tổng hợp