Tăng trưởng hụt hơi, quốc gia châu Á vỡ mộng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?
(Thị trường tài chính) - Giáo sư Indranil Sen Gupta, chuyên gia kinh tế tại Đại học Shiv Nadar, cho rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Ấn Độ - tức mức độ tối đa mà nền kinh tế có thể mở rộng mà không gây ra lạm phát - sẽ dao động ở mức khoảng 6,5% cho đến năm 2040.
Trong suốt những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ đã mang lại niềm tin rằng quốc gia châu Á này đang bước vào một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng vượt trội, đưa các thị trường lên những đỉnh cao chưa từng có và nuôi dưỡng hy vọng rằng Ấn Độ sẽ thoát khỏi danh xưng quốc gia đang phát triển trong vài thập kỷ tới.
Tuy nhiên, sự suy thoái ngày càng gia tăng hiện nay đang dấy lên lo ngại rằng ba năm tăng trưởng mạnh mẽ vừa qua không phải là dấu hiệu khởi đầu của một kỷ nguyên mới, mà chỉ là một sự phục hồi tạm thời.
Các số liệu gần đây từ Chính phủ Ấn Độ chỉ ra nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 6,4% trong năm tài chính này, mức thấp nhất trong bốn năm qua, đánh dấu sự trở lại với tốc độ tăng trưởng chậm chạp như trước đại dịch Covid-19.
Hơn nữa, các nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng trong những năm tới có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 8% của ba năm qua và điều này sẽ không đủ để thực hiện những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng mà Thủ tướng Narendra Modi đã đề ra.
Lo ngại về nền kinh tế lớn thứ năm thế giới ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây. Chi tiêu của các doanh nghiệp đã giảm sút, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu do lạm phát vẫn ở mức cao và tiền lương giảm, trong khi lợi nhuận của các công ty cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Các nhà đầu tư trở nên bi quan, thể hiện qua việc chỉ số S&P BSE Sensex giảm gần 9% so với mức đỉnh trong chưa đầy một tháng, cùng với đồng rupee lao dốc, chạm mức thấp kỷ lục 85,8725 so với USD vào hôm 8/1 vừa qua.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là nền kinh tế đang chậm lại và trở về với tốc độ tăng trưởng tiềm năng khoảng 6%-6,5%", ông Gaurav Kapur, Kinh tế trưởng của IndusInd Bank cho biết.
Mức tăng trưởng mới này, mặc dù vẫn là niềm ao ước của nhiều quốc gia và tiếp tục dẫn đầu thế giới, nhưng nó lại tạo ra những thách thức mới cho Chính phủ Modi sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Trong cuộc bầu cử này, đảng Bharatiya Janata của ông đã mất đi sự ủng hộ tại Quốc hội, chủ yếu do những lo ngại về các vấn đề kinh tế thiết yếu như lạm phát cao - vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Ngân hàng Trung ương đề ra.
Ông Modi mong muốn đưa Ấn Độ trở thành một "quốc gia phát triển" vào năm 2047, một mục tiêu đòi hỏi phải duy trì mức tăng trưởng gần 8%. Ông cũng từng nhấn mạnh trước đó là sẽ đưa đất nước trở thành "siêu cường kinh tế lớn thứ ba" vào cuối nhiệm kỳ thứ ba của mình.
Chưa hết, một số nhà phân tích tại hãng tư vấn Morgan Stanley cũng đồng ý với ông Modi rằng nước này sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để đạt vị trí thứ ba vào năm 2027. Nhưng hiện tại, có rất nhiều nhà kinh tế học và các tổ chức đa phương khác cho rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được một cách nhất quán trong những năm tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt trung bình 6,5% trong vài năm tới, trong khi Ngân hàng Thế giới ước tính con số này là 6,7%. Goldman Sachs Group Inc. lại dự báo tăng trưởng chỉ đạt 6% trong năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3 và 6,3% trong năm tài chính 2025-2026.
Giáo sư Indranil Sen Gupta, chuyên gia kinh tế tại Đại học Shiv Nadar, cho rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Ấn Độ - tức mức độ tối đa mà nền kinh tế có thể mở rộng mà không gây ra lạm phát - sẽ dao động ở mức khoảng 6,5% cho đến năm 2040.
"Tăng trưởng 8% chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh. Điều này sẽ không xảy ra trong thời gian tới", ông nhận định.
Trong thập kỷ trước khi đại dịch ập đến hồi năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của Ấn Độ là 7%, đây là mức tăng trưởng tiềm năng mà Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho là phù hợp với nền kinh tế.
Áp lực giờ đây sẽ gia tăng đối với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ mới, ông Sanjay Malhotra trong việc giảm lãi suất sớm thay vì chờ đợi lâu hơn.
Dưới thời người tiền nhiệm Shaktikanta Das, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ nguyên lãi suất trong gần hai năm. Các nhà kinh tế dự báo rằng ông Malhotra - người đã cam kết RBI sẽ tập trung vào tăng trưởng - có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 2.
Sự suy giảm này cũng đặt ra thách thức lớn đối với các nhà hoạch định kinh tế của ông Modi, những người đã cam kết giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 4,5% GDP trong năm tài chính tới, từ mức ước tính 4,9% của năm hiện tại. Đây là một mục tiêu đầy khó khăn trong bối cảnh Chính phủ cần tăng chi tiêu để bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư từ khu vực tư nhân.
Sự suy thoái của Ấn Độ sẽ có "nhiều tác động đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tăng trưởng lương, doanh thu của các công ty, tiêu dùng, đầu tư, nhu cầu tín dụng và quan trọng nhất là tính toán tài chính", nhà kinh tế học của Ngân hàng Mỹ tại Ấn Độ, Rahul Bajoria viết trong một ghi chú.
Một số nhà kinh tế lạc quan hơn. Rumki Majumdar, một nhà kinh tế học tại Deloitte Ấn Độ, gọi sự suy giảm gần đây là “một sự bất thường” với đầu tư tư nhân yếu do sự bất ổn của cuộc bầu cử năm ngoái ở cả Ấn Độ và Mỹ.
Citigroup cũng vẫn lạc quan về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp đi lên cũng như thị trường chứng khoán đạt mức tăng trưởng hai con số, ngay cả khi nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả.