HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kế hoạch tăng trưởng GDP 8%: Việt Nam hướng tới tầm nhìn 2045

An Vũ

(Thị trường tài chính) - Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn phát triển đầy tham vọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, chuẩn bị cho hành trình trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Theo SSI Research, mục tiêu này không chỉ dựa vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ linh hoạt và tài khóa nới lỏng mà còn đòi hỏi các cải cách mạnh mẽ trong cơ sở hạ tầng, thể chế và quản lý năng lượng. Với đà cải cách từ cuối năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng hai con số không chỉ là giấc mơ mà có thể trở thành hiện thực trong một năm đầy triển vọng như 2025.

Theo SSI Research, năm 2025 đánh dấu là một năm quan trọng khi là năm kết thúc của Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, cũng là năm chuẩn bị để khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng mới với các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tập trung vào chất lượng tăng trưởng để Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước thu nhập cao vào năm 2045.

Từ chính sách tiền tệ đến tài khóa đều hướng đến duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các giải pháp mạnh mẽ hướng tới tất cả các động lực tăng trưởng. Rủi ro lớn nhất trong năm 2025 sẽ đến từ xu hướng bảo hộ thương mại, sự phân mảnh trong kinh tế toàn cầu và rủi ro suy thoái ở Mỹ trong khi vẫn còn cần thêm thời gian để giải quyết các vấn đề của ngành bất động sản cũng như nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa

SSI Research đưa ra các giả định và dự báo biến số vĩ mô chính trong năm 2025 như sau:

Chính sách: Kết hợp giữa chính sách tiền tệ linh hoạt (tăng trưởng tín dụng từ 16% trở lên) và chính sách tài khóa nới lỏng (tăng trưởng đầu tư công ước tính khoảng 17%) để thúc đẩy tăng trưởng.

Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong nửa đầu năm 2025 trước khi các chính sách thuế quan được thông báo và có hiệu lực.

Tiêu dùng: Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ quay lại là động lực tăng trưởng cho năm 2025, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh môi trường lãi suất vẫn ở mức thấp và kinh tế phục hồi.

Kế hoạch tăng trưởng GDP 8%: Việt Nam hướng tới tầm nhìn 2045 - ảnh 1

Đầu tư: Các chính sách ưu đãi và thông thoáng hơn, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào lĩnh vực công nghệ cao và đầu tư xanh, trong khi đó môi trường kinh doanh cởi mở sẽ giúp khu vực tư nhân có cơ hội bứt phá.

Rủi ro và thách thức: Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, rủi ro địa chính trị và rủi ro nợ xấu tăng mạnh.

Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài khó lường và mức nền cao trong năm 2024, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 có thể chậm lại xuống còn 9,5%, từ 14,3% vào năm 2024. Do đó, để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, các động lực tăng trưởng trong nước cần được thúc đẩy như tiêu dùng và đầu tư công, trong khi khu vực tư nhân trong nước có thể được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thân thiện hơn, ví dụ như việc cho phép các dự án xây dựng – chuyển giao (BT) được thực hiện trở lại.

Bên cạnh đó, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP lên tới 8% như Thủ tướng đề ra cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong đó, chính sách tiền tệ duy trì tính linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo cân đối vĩ mô giữa tỷ giá và lãi suất. SSI Research dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2025 là 26.000 đồng, mặc dù mức biến động có thể sẽ mạnh hơn trong năm, đặc biệt là vào Quý 2 và Quý 3. Thanh khoản kiểm soát tốt sẽ giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức thấp (5,8% - 6,0%), trong khi tăng trưởng tín dụng là 16%.

Kế hoạch tăng trưởng GDP 8%: Việt Nam hướng tới tầm nhìn 2045 - ảnh 2

Với cơ cấu nợ công nằm trong kiểm soát và các chính sách chuyển đổi số, tinh chỉnh bộ máy và cải cách hành chính nhằm tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách tài khóa vẫn duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2025. Kế hoạch thâm hụt ngân sách ở mức 3,8% GDP vào năm 2025 (so với ước tính 3,4% cho năm 2024), cho thấy Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng tài khóa và kích thích nhu cầu nội địa. Kế hoạch chi đầu tư phát triển được đặt ở mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước cho năm 2025, với việc hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và Sân bay Long Thành. Một số dự án ưu tiên chính đến năm 2030 sẽ bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đường sắt (bao gồm tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và đường sắt cao tốc Bắc Nam), đường vành đai và tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM, Cảng Cần Giờ (TP.HCM).

Từ chính sách đến hành động thực tế

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và đạt tăng trưởng hai chữ số những năm tới, hướng đến trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và thu nhập cao vào năm 2045 và tránh “bẫy thu nhập trung bình”, các chính sách thay đổi mang tính nền tảng đang nhanh chóng triển khai nhằm giành được lợi thế trong giai đoạn dân số vàng.

Các mục tiêu “đột phá chiến lược” về hoàn thiện thể chế (tinh gọn bộ máy), phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và phát triển nguồn nhân lực không chỉ là những định hướng lớn chung chung, mà đã được triển khai thực hiện ngay từ cuối năm 2024.

Kế hoạch tăng trưởng GDP 8%: Việt Nam hướng tới tầm nhìn 2045 - ảnh 3

Tinh gọn tổ chức bộ máy: Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị, cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được công bố với mục tiêu sẽ hoàn thành trong tháng 2 năm 2025 và giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây không chỉ là câu chuyện cắt giảm biên chế, mà còn liên quan đến nâng cao hiệu quả của công tác quản lý điều hành trong thời kỳ mới, và định hướng hoàn thành trong Quý 1/2025 là hoàn toàn khả thi.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Không chỉ tập trung phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, Chính phủ hướng đến mục tiêu sâu rộng hơn, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính với hàng loạt các chính sách mới đang được sửa đổi như Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật Dữ liệu, Luật Chứng khoán. Đối với cơ sở hạ tầng giao thông, điểm khác biệt trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là, bên cạnh việc phát triển hệ thống đường cao tốc (hướng tới mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030), hệ thống cảng (sân bay, cảng biển) và các dự án đường sắt cũng đã được xem xét bắt đầu xây dựng từ năm 2025.

Và cuối cùng, không thể quên một nguồn lực quan trọng của tăng trưởng chính là năng lượng, và các động thái như tái khởi động lại hai dự án điện hạt nhân (ở Ninh Thuận), sửa đổi Quy hoạch Phát triển Điện VIII hay việc đổi tên PetroVietnam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ đánh giá đúng tầm quan trọng của năng lượng đối với tăng trưởng.