HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Doanh nghiệp 'go global' khó khăn bủa vây tứ phía, đối mặt thời khắc 'đổi mới tư duy hay là chết'

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải thay đổi từ tư duy xuất khẩu truyền thống sang hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng địa phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chưa từng có khi mở rộng thị trường toàn cầu: phải thay đổi hoặc bị đào thải.

"Chỉ riêng xuất khẩu không đủ để mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng hóa Trung Quốc nữa", ông William Hong, Giám đốc Dongguan Aimeike Valve, chia sẻ sau hành trình khảo sát thị trường kéo dài một năm qua các châu lục.

Từ châu Phi đến Nam Mỹ, doanh nhân này đã chứng kiến một thực tế phũ phàng: ngay cả tại những quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Trung Quốc, người dân vẫn e ngại về chất lượng hàng hóa và đầu tư từ đất nước tỷ dân.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Doanh nghiệp 'go global' khó khăn bủa vây tứ phía, đối mặt thời khắc 'đổi mới tư duy hay là chết' - ảnh 1
Công nhân hàn các bộ phận tại một nhà máy sản xuất cabin cho máy xúc ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc

 

Bài học về "bản địa hóa" đã được các doanh nghiệp Nhật Bản áp dụng thành công từ thập niên 1980. Theo báo cáo của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - Châu Âu (CEIBS), chiến lược này đã giúp Nhật Bản tạo ra giá trị kinh tế nước ngoài tương đương gần 50% GDP trong nước.

"Các quốc gia không chỉ muốn nhập khẩu sản phẩm, họ còn mong muốn được hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng", Giám đốc Hong nhấn mạnh. Đây là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc - những đơn vị đang phải rời khỏi "vùng an toàn" khi các rào cản thương mại ngày càng dày đặc.

Theo các chuyên gia, để thành công trong thời đại mới, doanh nghiệp Trung Quốc cần học hỏi mô hình "sản xuất tại nơi bán" của Nhật Bản, đồng thời xây dựng chiến lược toàn diện, chú trọng tạo giá trị cho cộng đồng địa phương, thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận.

'Thất bại của chúng tôi tại Mozambique năm 2022 là một bước ngoặt quan trọng', William Hong, doanh nhân đến từ Đông Quan (Trung Quốc), nhớ lại khoảnh khắc đánh mất hợp đồng triệu đô vào tay đối thủ có chi nhánh tại châu Phi. Lý do duy nhất ở đây là đối tác địa phương đã ưu tiên các liên doanh có khả năng tạo việc làm cho người dân bản địa.

'Muốn tồn tại trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Trung Quốc phải thay đổi tư duy từ đơn thuần bán hàng sang hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng địa phương', ông Hong nhấn mạnh.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Doanh nghiệp 'go global' khó khăn bủa vây tứ phía, đối mặt thời khắc 'đổi mới tư duy hay là chết' - ảnh 2
Công nhân của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc trong một dự án đường sắt ở Mozambique vào tháng 9/2019

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đặc biệt là việc siết chặt nguồn cung chip máy tính cao cấp, nhiều doanh nghiệp như công ty của ông Hong buộc phải chuyển hướng sang các thị trường mới nổi. 'Đây là những thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghệ tầm trung, phù hợp với năng lực sản xuất của chúng tôi', ông giải thích.

Liu Kaiming, nhà sáng lập Viện Quan sát Đương đại, cảnh báo: 'Doanh nghiệp Trung Quốc phải tạo ra giá trị và việc làm cho cộng đồng địa phương. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của người dân sở tại'.

Theo khảo sát của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, 90% doanh nghiệp Trung Quốc đại lục có kế hoạch mở rộng toàn cầu trong 3 năm tới, trong đó 70% nhắm đến các thị trường mới nổi. Đặc biệt, các quốc gia tham gia Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được xem là điểm đến tiềm năng.

'Quá trình toàn cầu hóa của doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu', ông Liu nhận định. Ông dẫn chứng việc một công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc phải thành lập đội ngũ 400 người chỉ để xử lý các vấn đề đạo đức và pháp lý tại thị trường nước ngoài năm ngoái.

'Ngay cả ở Trung Á, khu vực được cho là thân thiện với Trung Quốc, khách hàng vẫn rất thận trọng với doanh nghiệp của chúng tôi', William Hong chia sẻ sau chuyến công tác vất vả, mang theo hàng chục kg mẫu sản phẩm từ Quảng Đông tới các đối tác tiềm năng.

Tại Kyrgyzstan, người dân có xu hướng ưa chuộng hàng hóa từ Kazakhstan và e ngại sản phẩm Trung Quốc có thể làm suy yếu nền công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, Hong nhận định đây lại là cơ hội: 'Sản phẩm và công nghệ của chúng tôi phù hợp với nhu cầu của họ hơn so với các thương hiệu toàn cầu - những đơn vị thường đưa ra giá quá cao hoặc không mặn mà với thị trường nhỏ'.

Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cả nước có hơn 52 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó 750.000 đơn vị đã bắt đầu hoạt động ở nước ngoài (theo thống kê của 36kr).

'Muốn thành công, doanh nghiệp Trung Quốc phải thay đổi tư duy và thói quen kinh doanh truyền thống', Gao Zhendong, Tổng thư ký Liên minh dịch vụ công nghiệp Trung Quốc - Việt Nam nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, các công ty hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng địa phương sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm công tác tại nước ngoài, ông Hong đã điều chỉnh chiến lược: 'Chúng tôi không đơn thuần là nhà cung cấp mà phải trở thành đối tác đồng hành, là xương sống hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển'.

Triết lý kinh doanh mới của doanh nhân này được thể hiện qua con số đơn giản: trong mỗi dự án, công ty chỉ nhận 10-20% lợi nhuận, phần còn lại thuộc về đối tác địa phương. 'Chỉ bằng cách hạ thấp mình và trao quyền cho doanh nghiệp sở tại, chúng tôi mới có thể bén rễ sâu tại thị trường nước ngoài', ông khẳng định.

Theo South China Morning Post (SCMP)