Vượt Mỹ, quốc gia châu Á dẫn đầu cuộc đua từ sao Hỏa về Trái đất, bỏ xa NASA ít nhất 4 năm
(Thị trường tài chính) - Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu đưa 600g đất sao Hỏa về Trái Đất vào năm 2031 trong khi NASA lùi thời gian hoàn thành đến năm 2039.
Vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong cuộc đua đưa đá sao Hỏa về Trái Đất đã gia tăng đáng kể, khi NASA dự kiến việc đưa các mẫu vật từ tàu thăm dò Perseverance về Trái đất sẽ chậm hơn ít nhất 4 năm.
Trong tuần này, CEO sắp mãn nhiệm của NASA Bill Nelson cho biết rằng thời điểm sớm nhất mà các mẫu vật của Perseverance có thể đến Trái Đất là năm 2035. Tàu thăm dò hạ cánh vào năm 2021 và hiện vẫn đang tiếp tục thu thập mẫu vật.
Trong khi đó, các quan chức không gian của Trung Quốc thông báo vào tháng 9 năm ngoái rằng sứ mệnh Tianwen-3 của họ vẫn đang tiến hành đúng kế hoạch và dự kiến sẽ đưa khoảng 600g đất sao Hỏa về Trái Đất vào năm 2031.
Nhà vật lý thiên văn Quentin Parker bình luận: "Trung Quốc không dẫn trước NASA một năm, mà là vài năm. Họ đang thực sự tạo ra một bước tiến dài so với Mỹ".
Do ngân sách ngày càng tăng, NASA đã phải từ bỏ kế hoạch ban đầu cho sứ mệnh thu thập mẫu sao Hỏa và thay vào đó tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí và nhanh chóng hơn, với sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp và học viện tư nhân.
Chi phí của chương trình này đã tăng từ 3 tỷ USD vào năm 2020 lên 11 tỷ USD chỉ trong 3 năm. Theo lộ trình ban đầu, ngày trở lại dự kiến vào năm 2040.
Quyết định về việc tài trợ cho sứ mệnh và lựa chọn phương án nào sẽ được quyết định bởi Quốc hội Mỹ mới và CEO NASA sắp tới cùng với các bên liên quan khác.
CEO Nelson nói rằng ông không thể tưởng tượng rằng chính quyền mới sẽ không tài trợ cho sứ mệnh thu thập mẫu. "Tôi không nghĩ chúng ta sẽ muốn mẫu vật được trả về lại là trên một tàu vũ trụ của Trung Quốc", ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng dù đây có thể là một cuộc đua, nỗ lực của Trung Quốc và NASA không thể so sánh.
Sứ mệnh Tianwen-3 của Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược "lấy và đi" đơn giản bằng cách hạ cánh một tàu vũ trụ tại một vị trí cụ thể, trong khi các mẫu của NASA đã được chọn lựa qua một "quá trình rất có phương pháp", theo Nelson.
Nhà địa chất hành tinh Qian Yuqi đồng ý rằng quá trình lấy mẫu của NASA toàn diện hơn nhưng cũng chỉ ra chính điều này khiến sứ mệnh trở nên phức tạp và tốn thời gian hơn.
"Ngược lại, phương pháp của Trung Quốc có tính khả thi cao hơn rất nhiều", ông cho hay, đồng thời lưu ý rằng "do hạn chế về ngân sách cùng các yếu tố khác", sứ mệnh của NASA "có thể sẽ gặp thêm sự chậm trễ".
Theo SCMP