Phát hiện ‘quái vật’ 193 triệu năm tuổi ở Trung Quốc, hé lộ bí ẩn về nguồn gốc loài khủng long cổ xưa nhất châu Á
(Thị trường tài chính) - Được biết, đây là loài khủng long thuộc bộ hông chim (Ornithischia) phân nhánh sớm nhất từng được phát hiện tại châu Á.
Mới đây, hóa thạch một loài khủng long ăn cỏ mới, sống cách đây 193 triệu năm, đã được khai quật tại Tây Nam Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Xi Yao từ Đại học Vân Nam đã đặt tên cho loài khủng long này là Archaeocursor asiaticus. Theo bài công bố trên tạp chí khoa học iScience, đây là loài khủng long thuộc bộ hông chim (Ornithischia) phân nhánh sớm nhất từng được phát hiện tại châu Á.
Hóa thạch gồm một xương đùi trái gần như hoàn chỉnh, được khai quật tại hệ tầng địa chất Ziliujing, cách Công viên Trung tâm Trùng Khánh 2km thuộc quận Du Bắc, thành phố Trùng Khánh. Hệ tầng này có niên đại từ kỷ Jura sớm – thời kỳ có nhiều thay đổi lớn sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Trias-Jura.
Phân tích hóa thạch cho thấy Archaeocursor asiaticus là một cá thể trưởng thành trẻ với kích thước nhỏ, dài khoảng 1m. Tuy mang danh “quái thú”, loài này được xác định là khủng long ăn thực vật.
Archaeocursor asiaticus là loài khủng long hông chim cổ xưa nhất từng được phát hiện tại châu Á, đóng góp quan trọng vào việc tìm hiểu sự tiến hóa sơ khai và sự phân tán của nhóm khủng long này ở Laurasia – siêu lục địa phía Bắc, trong đó bao gồm châu Á hiện nay.
Khủng long hông chim đại diện cho nhóm khủng long ăn thực vật với đặc điểm hông giống chim, sau này phát triển thành nhiều dạng phong phú như khủng long giáp (stegosaur), khủng long bọc giáp (ankylosaur), khủng long sừng (ceratopsian), và khủng long mòm vịt (hadrosaur). Tuy nhiên, hồ sơ tiến hóa ban đầu của chúng vẫn là một bí ẩn.
Trong khi các hóa thạch khủng long hông chim được tìm thấy nhiều ở Gondwana (siêu lục địa phía Nam) như Nam Mỹ, châu Phi, và Úc, hồ sơ hóa thạch tại Laurasia (châu Á và Bắc Mỹ hiện nay) lại kém đa dạng hơn, chủ yếu bao gồm các loài khủng long bọc giáp lớn như stegosaurs và ankylosaurs.
Phát hiện Archaeocursor asiaticus cung cấp bằng chứng về một sự di cư độc lập và sớm hơn của khủng long hông chim từ Gondwana đến Laurasia. Nghiên cứu cho thấy loài này có họ hàng gần với Eocursor parvus, một loài khủng long cổ xưa tồn tại ở Nam Phi trong kỷ Jura sớm.
"Điều này cho thấy có ít nhất một nhóm khủng long hông chim tổ tiên chưa được biết đến, sống sót từ rất lâu trước đó”, Tiến sĩ Xi Yao nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mặc dù sự phát hiện này mang lại nhiều thông tin quý giá, các nhà khoa học vẫn cho rằng cần có thêm nhiều hóa thạch để củng cố mối quan hệ tiến hóa của Archaeocursor asiaticus, giúp làm rõ hơn quá trình đa dạng và tiến hóa của nhóm khủng long hông chim, mở ra những hướng nghiên cứu mới về sự phát triển của loài khủng long trong thời kỳ kỷ Jura.
Theo Interesting Engineering