HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nga ‘hốt bạc’ nhờ bán nhiên liệu cho EU, doanh số bỏ xa tiền viện trợ mà Ukraine nhận được

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Số liệu thống kê cho thấy, từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đã chi một khoản tiền khổng lồ để mua nhiên liệu hóa thạch từ Điện Kremlin.

Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh do cuộc đột kích vào Nga gần đây của Ukraine dự kiến sẽ giúp tăng doanh thu cho Điện Kremlin từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, theo Euractiv.

Điều này cũng làm gia tăng thêm khoảng cách giữa các khoản thu trước đó với tổng số tiền hỗ trợ của EU cho Ukraine.

Phân tích của tổ chức nghiên cứu CREA cho thấy, kể từ khi cuộc xung đột xảy ra giữa Điện Kremlin và Ukraine vào tháng 2/2022, các nước EU đã chi 200 tỷ euro (219 tỷ USD) cho nhiên liệu hóa thạch của Nga, chủ yếu là dầu và khí đốt.

Trong khi đó, tổng số tiền viện trợ của EU và Mỹ cho Ukraine chỉ ở mức 185 tỷ euro, theo số liệu theo dõi của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Nga ‘hốt bạc’ nhờ bán nhiên liệu cho EU, doanh số bỏ xa tiền viện trợ mà Ukraine nhận được - ảnh 1Tiền bán nhiên liệu của Nga vượt xa viện trợ của EU cho Ukraine. Ảnh: Shutter shock 

 

Thu nhập của Nga từ việc bán khí đốt, chiếm chưa đến một nửa thu nhập từ việc cung cấp năng lượng cho EU, được cho là sẽ tăng mạnh sau khi giá khí đốt bất ngờ tăng 13% trong tuần qua.

Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân là cuộc phản công của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga đã thúc đẩy giá khí đốt châu Âu tăng vọt do lo ngại về nguồn cung.

Và trong khi châu Âu đã nỗ lực để cắt giảm nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, đợt tăng giá khí đốt do sự cố Kursk gây ra đang làm nổi bật một vấn đề lớn hơn: tiền từ châu Âu vẫn tiếp tục chảy vào Điện Kremlin để đổi lấy năng lượng.

Chỉ tính riêng từ ngày 29/7 - 4/8, CREA ước tính các nước EU đã chi hơn 400 triệu euro cho Nga, chủ yếu là cho khí đốt và dầu.

Các chuyên gia nhận định, số tiền này tuy không đáng là bao so với thời điểm trước chiến tranh nhưng nó có nghĩa là mặc dù EU đã đạt được nhiều bước tiến trong việc giảm sự phụ thuộc vào Nga, thì họ vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Hồi tháng 3, một liên minh đa đảng của các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) đã cảnh báo rằng châu Âu “vẫn là khách hàng lớn nhất của đường ống dẫn khí đốt và khí đốt LNG của Nga”, đồng thời kêu gọi lệnh cấm đối với tất cả các mặt hàng năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, tình hình vẫn không thay đổi cho đến nay. Tiền của châu Âu vẫn tiếp tục đổ vào Điện Kremlin nhờ vào một mạng lưới các hợp đồng dài hạn, các quốc gia không giáp biển phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu đến phương Đông và việc thiếu các hạn chế đối với hàng hóa LNG.

Được biết từ đầu tháng 8, các nước EU có quyền đơn phương cấm LNG của Nga khi quy tắc thị trường khí đốt mới của khối có hiệu lực. Dù vậy, cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực hiện bước đi này.

Theo Euractiv