Mỹ, Nhật tụt hậu trong cuộc đua công nghệ nông nghiệp - thực phẩm so với Trung Quốc
(Thị trường tài chính) - Liệu thực phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giải quyết được nạn đói trên toàn thế giới?
Ngày nay, triển vọng công nghệ thực phẩm trong việc giải quyết nạn đói toàn cầu đang trở nên mờ mịt khi đầu tư vào các startup về thịt nuôi cấy và protein thay thế khác sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo từ công ty đầu tư mạo hiểm AgFunder (Mỹ), tổng số vốn đầu tư toàn cầu năm 2023 vào các startup trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm và nông nghiệp, bao gồm cả các công ty phát triển thịt nuôi cấy, thực phẩm từ thực vật và công nghệ sinh học, đã giảm 57% so với mức đỉnh năm 2021, chỉ còn 4,2 tỷ USD.
Đặc biệt, các công ty tập trung vào thực phẩm thay thế, như thịt nuôi cấy và thịt thực vật – những giải pháp được coi là then chốt trong việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực – đã chứng kiến mức sụt giảm đầu tư lên tới 67%. Nguyên nhân được cho là từ lo ngại của nhà đầu tư về giá thành cao, hương vị chưa quen thuộc và cần thời gian dài để khắc phục những vấn đề này.
New Age Eats, một startup của Mỹ chuyên sản xuất thịt nuôi cấy từ tế bào, đã huy động hàng chục triệu USD để xây dựng nhà máy, nhưng buộc phải đóng cửa vào năm 2023 do không đủ kinh phí để phát triển. Brian Spears, nhà sáng lập và cựu CEO của công ty, chia sẻ rằng doanh nghiệp không thể thu hút thêm vốn vì thời gian và chi phí sản xuất sản phẩm thương mại hóa quá lớn.
Tương tự, Beyond Meat – nhà sản xuất thịt thay thế từ đậu nành và các loại thực vật khác của Mỹ – cũng đang đối mặt với khó khăn khi báo cáo khoản lỗ ròng 34,5 triệu USD trong quý II năm nay. Giá cổ phiếu của công ty đã lao dốc, chỉ còn bằng 1/40 so với mức đỉnh.
Dưới áp lực lạm phát, nhiều nhà hàng đã từ bỏ việc sử dụng thịt thực vật do chi phí cao. Trên trang thương mại điện tử Walmart, thịt viên Beyond Meat được bán với giá 9-10 USD/pound (453 gram), trong khi thịt truyền thống chỉ có giá từ 3-6 USD/pound.
Ngoài ra, hương vị của thịt thực vật vẫn cần được cải thiện, khi một số sản phẩm có mùi đậu nành rõ rệt. Một phụ nữ Nhật Bản sống tại Mỹ chia sẻ: "Tôi không còn mua các loại thịt thay thế nữa vì chúng không ngon và tôi lo ngại về các chất phụ gia được sử dụng để tạo vị giống thịt thật".
Công nghệ thực phẩm được xem là yếu tố quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Nomura (Tokyo), với dân số thế giới dự kiến đạt 10 tỷ người vào năm 2050, nguồn cung protein – yếu tố thiết yếu cho sức khỏe – sẽ thiếu hụt khoảng 7% so với nhu cầu. Điều này tương đương với lượng protein cần thiết cho 1,2 tỷ người trưởng thành mỗi năm.
Cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ bùng phát do sự phá hoại của côn trùng và năng suất cây trồng suy giảm dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia Nhật Bản cùng các viện nghiên cứu khác ước tính, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 2 độ C có thể gây thiệt hại khoảng 80 tỷ USD cho sản lượng ngũ cốc thế giới.
Mặc dù các biện pháp như sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp và các phương pháp canh tác tiên tiến có thể giúp giảm thiệt hại xuống 76%, nhưng mức tổn thất vẫn có nguy cơ gia tăng nếu hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp diễn nhanh hơn dự đoán. Do đó, việc phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro này.
Tuy nhiên, Nhật Bản và Mỹ đang dần tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ thực phẩm. Theo Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Giống cây trồng mới, Trung Quốc đã nộp 12.333 đơn xin cấp bằng bảo hộ giống cây trồng trong nước vào năm 2022, gấp 8,4 lần so với một thập kỷ trước. Quốc gia này đang triển khai một chiến dịch quy mô lớn nhằm phát triển các giống cây trồng mới, bao gồm các giống cải dầu có tốc độ sinh trưởng nhanh và năng suất cao.
Trái ngược với Trung Quốc, số lượng đơn đăng ký tại Nhật Bản giảm gần 40%, chỉ còn 464 trong cùng giai đoạn, chủ yếu do cắt giảm ngân sách nghiên cứu và nhân sự tại các cơ quan địa phương. Tại Mỹ, số đơn đăng ký cũng giảm khoảng 10%, xuống còn 720 đơn.
Shinya Kajikawa, chuyên gia về các vấn đề thực phẩm và là đối tác tại KPMG FAS, Nhật Bản, cho biết: "Nghiên cứu và phát triển công nghệ thực phẩm là một quá trình lâu dài vì liên quan đến thực vật và các sinh vật sống khác". Ông nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về các chiến lược dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản chỉ tự sản xuất được dưới 40% lượng calo cần thiết cho quốc gia.
Nhật Bản cũng bị đánh giá là chậm trễ trong việc ban hành các quy định thúc đẩy phát triển thực phẩm thay thế. Điều này đã khiến Meiji Holdings lựa chọn thị trường Mỹ để phát triển các sản phẩm hợp tác với một startup nuôi cấy tế bào cacao của Hoa Kỳ.
Trước bối cảnh cạnh tranh về an ninh lương thực ngày càng gia tăng giữa các quốc gia như Singapore, Mỹ và Hà Lan, Nhật Bản cần đẩy mạnh các quy định và tăng cường đầu tư vào công nghệ thực phẩm thay thế để bắt kịp xu thế.
Theo Nikkei Asia