Mỹ muốn chấm dứt ‘ưu đãi’ thương mại quan trọng, Trung Quốc đối mặt sóng gió mới
(Thị trường tài chính) - Việc thu hồi quy chế này với Trung Quốc có thể được coi là một động thái mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại toàn cầu.
Nikkei Asia đưa tin, các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ gần đây đã đề xuất một dự luật chấm dứt Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc. Họ lập luận rằng cơ chế này đã tạo ra mối quan hệ thương mại không cân bằng và bất công giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việc đe dọa thu hồi PNTR không phải điều mới trong chính trường Mỹ, theo chuyên gia. Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ "hoàn toàn loại bỏ" sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc bằng cách chấm dứt thỏa thuận này.
Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn là gì?
Quy chế PNTR là cơ chế đặc biệt mà Mỹ cấp cho một quốc gia để thiết lập quan hệ thương mại với Mỹ trên nền tảng bình đẳng. Quy chế này tương tự với Quy chế Tối huệ quốc (MFN), vốn được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều quốc gia khác sử dụng.
Năm 1998, Mỹ đã thay đổi tên MFN thành "Quan hệ Thương mại Bình thường" theo Mục 5003 của Đạo luật Cải cách và Tái cấu trúc Sở Thuế vụ, và sau đó thêm cụm từ "vĩnh viễn".
Khi một quốc gia được trao quy chế PNTR, họ sẽ được hưởng nhiều lợi thế thương mại như thuế quan thấp và không bị phân biệt đối xử so với các quốc gia khác cũng có quy chế này.
Tuy nhiên, để đạt được PNTR từ Mỹ, quốc gia đó phải tuân thủ 2 điều kiện cơ bản. Thứ nhất, họ cần tuân thủ các điều khoản Jackson-Vanik trong Bộ luật Thương mại năm 1974 (yêu cầu Tổng thống Mỹ công nhận một quốc gia không từ chối hoặc cản trở quyền hay cơ hội di cư của công dân nước mình).
Thứ hai, nước này đã ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Dưới đây là những lợi ích mà quy chế PNTR/MFN đem lại.
1. Thúc đẩy thương mại tự do
PNTR khuyến khích thương mại tự do giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho các quốc gia sản xuất có chi phí thấp có thể xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường có nhu cầu mà không cần sự can thiệp của Chính phủ.
2. Đảm bảo đối xử công bằng cho các quốc gia yếu thế
Quy chế này cho phép những nước nhỏ hơn được hưởng các lợi thế thương mại mà họ có thể không có cơ hội nhận được trước các “ông lớn” thương mại toàn cầu, giúp cân bằng cán cân quyền lực trong đàm phán thương mại.
3. Đơn giản hóa quy định thương mại
Việc áp dụng quy chế PNTR giúp đơn giản hóa luật thương mại quốc tế. Nhờ đó, các điều khoản thương mại giữa các quốc gia sẽ trở nên đồng nhất và dễ thực hiện hơn.
4. Tăng cường sự cạnh tranh
Đặc biệt có lợi cho các nước đang phát triển do quy chế này giúp hàng hóa của họ tiếp cận thị trường toàn cầu ở diện rộng hơn, giảm chi phí xuất khẩu. Những điều này về cơ bản dẫn đến thương mại cạnh tranh hơn.
5. Ít thủ tục hành chính hơn
PNTR giúp giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, đơn giản hóa việc thiết lập thuế quan cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu, từ đó gia tăng nhu cầu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.
Việc thu hồi PNTR với Trung Quốc có thể được coi là một động thái mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại toàn cầu. Với sức nặng của "cây gậy quyền lực" này, Washington có thể làm thay đổi cuộc chơi kinh tế, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về hậu quả thương mại và quan hệ quốc tế.