HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Mỹ hay Trung Quốc: Quốc gia nào mới là siêu cường số 1 thế giới?

Ngọc Hân

(Thị trường tài chính) - Trong khi Mỹ dẫn đầu về thị trường vốn và giữ vững vị thế sở hữu đồng tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong thương mại và công nghệ mới nổi.

Hiện nay, cán cân quyền lực toàn cầu được định hình bởi nhiều yếu tố, bao gồm sức mạnh kinh tế, thương mại và nền tảng công nghiệp quốc phòng của một quốc gia.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc lớn, nhưng nguồn sức mạnh của họ lại khác nhau đáng kể. Mỹ có vị thế vượt trội trên thị trường vốn và vị thế đồng tiền dự trữ của đồng USD chưa có dấu hiệu bị vượt qua trong tương lai gần. 

Trong khi đó, ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế đã tăng đáng kể. Quốc gia châu Á hiện là đối tác thương mại hàng đầu của 120 quốc gia trên toàn thế giới.

Biểu đồ dưới đây so sánh Mỹ và Trung Quốc qua 8 tiêu chí chính của sức mạnh, dựa trên phân tích từ Chỉ số cường quốc năm 2024 của Ray Dalio.

Mỹ hay Trung Quốc: Quốc gia nào mới là siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 1Nguồn: Visual Capitalist, Ray Dalio 

 

Trong phân tích này, Ray Dalio đã xác định 8 yếu tố chính để đo lường các loại sức mạnh khác nhau của một quốc gia. Tám hạng mục này bao gồm: thương mại, đổi mới và công nghệ, giáo dục, sản lượng kinh tế, quân sự, trung tâm tài chính, khả năng cạnh tranh, vị thế đồng tiền dự trữ.

Mỹ hay Trung Quốc mạnh hơn?

Dưới đây là cách Mỹ và Trung Quốc được đánh giá theo từng tiêu chí sức mạnh quốc gia vào năm 2024, cùng với điểm số sức mạnh tổng thể. Trong đó, Mỹ (điểm sức mạnh tổng thể là 0,89) đã đánh bại Trung Quốc (điểm sức mạnh tổng thể 0,80).

Mỹ hay Trung Quốc: Quốc gia nào mới là siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 2Điểm số của Mỹ và Trung Quốc dựa trên tám tiêu chí chính của sức mạnh. Nguồn: Visual Capitalist 

 

Cả 2 quốc gia đều ngang nhau ở một số tiêu chí như đổi mới và công nghệ cùng với sản lượng kinh tế, nhưng có sự khác biệt lớn ở các hạng mục như vị thế đồng tiền dự trữ và khả năng cạnh tranh tổng thể.

Khi xem xét công nghệ và đổi mới, Mỹ là nơi đặt trụ sở của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới dẫn đầu về tiến bộ AI, trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển phần lớn tài sản trí tuệ trong các ngành mới như bán dẫn, xe điện và sản xuất tiên tiến.

Về sản lượng và sức mạnh kinh tế, khoảng cách giữa GDP của Mỹ và Trung Quốc rơi vào khoảng 10 nghìn tỷ USD. Trung Quốc có thể vượt qua nền kinh tế Mỹ vào năm 2035 nếu đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm 5%. Tuy nhiên, theo ước tính của Ray Dalio, tăng trưởng GDP thực hàng năm của Trung Quốc trong 10 năm tới chỉ đạt 4%.

Ngành bất động sản mong manh và nhu cầu tiêu dùng yếu là những trở ngại lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng trong tương lai của quốc gia này.

Đối với giáo dục, dù hệ thống giáo dục trung học trì trệ của Mỹ là điều đáng lo ngại, các trường đại học hàng đầu của nước này vẫn đóng vai trò quan trọng trong điểm số giáo dục. 

Trong khi đó, Trung Quốc có 100 trường đại học hàng đầu, nhưng hệ thống giáo dục không đồng đều của họ cũng ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình thu nhập thấp.

Về sức mạnh quân sự, Mỹ từ lâu đã là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chi tiêu quốc phòng, gấp đôi Trung Quốc vào năm 2022. Tuy nhiên, vị thế này đang suy giảm. Hiện tại, sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có nghĩa là khả năng phòng thủ của nước này đã ngang bằng với Mỹ và thậm chí có thể còn lớn hơn, theo một số nguồn như Chỉ số Sức mạnh Quân sự Toàn cầu.

Theo Visual Capitalist