HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kết thúc ‘kỷ nguyên’ làm việc từ xa, Amazon yêu cầu nhân viên đi làm 5 ngày/tuần

Thùy Dương

(Thị trường tài chính) - Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên từ bỏ hoàn toàn chế độ làm việc từ xa.

Quy định mới về làm việc tại Amazon, được CEO Andy Jassy công bố ngày 16/9 và có hiệu lực từ 2/1/2025, đã gây ra làn sóng tranh cãi. Trong khi một số người cho rằng việc trở lại văn phòng sẽ tăng cường hiệu quả làm việc, thì những người khác lại lo ngại về sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Xu hướng của doanh nghiệp

Từ đầu năm 2023, Amazon đã chuyển sang mô hình làm việc kết hợp, với nhân viên luân phiên làm việc tại văn phòng ba ngày và làm việc từ xa hai ngày mỗi tuần. Quy định này đánh dấu một bước chuyển lớn so với chính sách làm việc hoàn toàn từ xa trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19.

Kết thúc ‘kỷ nguyên’ làm việc từ xa, Amazon yêu cầu nhân viên đi làm 5 ngày/tuần - ảnh 1
Amazon sẽ áp dụng chính sách làm việc toàn thời gian tại công ty từ tháng 1/2025

Giám đốc điều hành Andy Jassy chia sẻ: "Qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy rằng việc làm việc trực tiếp tại văn phòng mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Làm việc tại văn phòng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng văn hóa công ty, mà còn thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo và kết nối giữa các nhóm làm việc".

Theo thông tin từ New York Times, quy định này sẽ áp dụng bắt buộc với tất cả nhân viên ở bất kỳ văn phòng nào, nhân viên sẽ điểm danh bằng hình thức quẹt thẻ. Để đáp ứng nhu cầu làm việc mới, công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm phòng họp và khoảng 3.500 buồng điện thoại.

Với quy định này, Amazon trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tiên hoàn toàn loại bỏ hình thức làm việc từ xa hoặc linh hoạt. Trong khi đó, các "đối thủ" như Google và Meta vẫn duy trì mô hình làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, xu hướng trở lại văn phòng đã trở nên phổ biến hơn trong nhiều ngành nghề tại Mỹ. Một loạt các công ty, từ các tập đoàn hàng không vũ trụ như Boeing đến các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và các công ty công nghệ như Zoom, đều đã đưa ra quyết định yêu cầu nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng toàn thời gian. Trong các thông báo, nhiều công ty đều đưa ra lý do tương tự như thông báo của ông Jassy.

Quyết định gây tranh cãi

Dù được các lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ, quy định làm việc tại văn phòng toàn thời gian lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía nhân viên. Sau gần bốn năm làm việc từ xa, nhiều người đã xây dựng cuộc sống xung quanh hình thức này. Việc quay trở lại văn phòng chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong cuộc sống của họ.

Ngay sau thông báo của ông Jassy, các kênh thông tin của Amazon đã tràn ngập phản ứng trái chiều. Chị Tamia Reed, kỹ sư trung tâm dữ liệu tại Amazon Web Services, chia sẻ trên mạng xã hội: "Sự thay đổi đột ngột này đi ngược lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn trọng đa dạng phong cách làm việc và đáp ứng nhu cầu cá nhân. Tôi hy vọng Amazon sẽ cân nhắc lại và tìm ra cách hỗ trợ cả nhu cầu kinh doanh lẫn sở thích làm việc của nhân viên".

Giáo sư Prithwiraj Choudhury tại Trường Kinh doanh Harvard cảnh báo rằng quyết định thu hồi chính sách làm việc linh hoạt của Amazon có thể dẫn đến những hậu quả. Ông lo ngại rằng việc này sẽ khiến công ty mất đi những nhân tài hàng đầu và bỏ lỡ những ứng viên tiềm năng. Ông nhận xét: "Đây là một bước đi thụt lùi, phản ánh sự thiếu linh hoạt trong tư duy lãnh đạo".

Một số nhà phân tích còn đưa ra quan điểm gay gắt hơn, cho rằng động cơ thực sự đằng sau các quyết định này là nhằm giảm quy mô nhân sự. Mặc dù hiểu rõ nguy cơ mất nhân tài khi áp dụng chính sách cứng nhắc, các công ty vẫn cố tình duy trì để tạo áp lực, khiến nhân viên tự nguyện rời đi.

Ý kiến bạn đọc