HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Huy động hơn 180 nghìn tỷ đồng cùng 360.000 tấn thanh cốt thép, hai quốc gia châu Âu bắt tay xây dựng đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới

Trình Long

(Thị trường tài chính) - Khi hoàn thành vào năm 2029, đường hầm Fehmarnbelt sẽ thay đổi cách thức di chuyển giữa Đan Mạch và Đức, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giao thông toàn khu vực.

Fehmarnbelt, hầm đường sắt kết hợp đường bộ dài nhất thế giới, đang trong quá trình hoàn thiện, hứa hẹn trở thành một biểu tượng cơ sở hạ tầng lớn của châu Âu. 

Dự án này sẽ nối liền Đan Mạch và Đức, với chiều dài lên tới 18km, nằm sâu 40m dưới mặt nước. Dự kiến, đường hầm sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2029, sau khi trải qua quá trình thi công đầy thách thức và kỹ thuật phức tạp.

Huy động hơn 180 nghìn tỷ đồng cùng 360.000 tấn thanh cốt thép, hai quốc gia châu Âu bắt tay xây dựng đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới - ảnh 1
Fehmarnbelt, hầm đường sắt kết hợp đường bộ dài nhất thế giới, đang trong quá trình hoàn thiện

Thiết kế và mục tiêu của dự án

Đường hầm Fehmarnbelt, còn được gọi là Fehmarnbelt Fixed Link, được xây dựng trên vành đai Fehmarn, một eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và Lolland của Đan Mạch. Công trình này được thiết kế để thay thế dịch vụ phà truyền thống giữa Rødbyhavn (Đan Mạch) và Puttgarden (Đức). 

Nhờ đường hầm, thời gian di chuyển sẽ giảm từ 45 phút bằng phà xuống chỉ còn 7 phút đi tàu hoặc 10 phút đi ô tô. Đây cũng sẽ là tuyến đường ngắn nhất nối Scandinavia với phần còn lại của châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối khu vực.

Hầm Fehmarnbelt bao gồm 4 làn đường ô tô được ngăn cách bởi một lối đi dịch vụ và 2 đường ray điện khí hóa. Với thiết kế kết hợp đường sắt và đường bộ, đây là đường hầm ngầm dài và sâu nhất thế giới thuộc loại này, đặt ra tiêu chuẩn mới về công nghệ xây dựng hầm dưới biển.

Quá trình xây dựng và thách thức

Dự án này là sự hợp tác giữa nhiều công ty quốc tế, bao gồm Femern A/S, Rambøll, Arup và TEC. Quá trình xây dựng đòi hỏi khối lượng vật liệu khổng lồ và kỹ thuật hiện đại. 

Khoảng 360.000 tấn thanh cốt thép - gấp 50 lần trọng lượng tháp Eiffel -  được sử dụng để hoàn thiện công trình. Công trường tại Đan Mạch rộng bằng 373 sân bóng đá, trong khi việc nạo vét đáy biển cần đến sự tham gia của 70 tàu và 12 triệu m3 đất được đào từ đáy biển.

Huy động hơn 180 nghìn tỷ đồng cùng 360.000 tấn thanh cốt thép, hai quốc gia châu Âu bắt tay xây dựng đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới - ảnh 2
Khoảng 360.000 tấn thanh cốt thép - gấp 50 lần trọng lượng tháp Eiffel -  được sử dụng để hoàn thiện công trình

Đường hầm ống chìm bao gồm 79 đoạn tiêu chuẩn và 10 đoạn đặc biệt, với mỗi đoạn tiêu chuẩn nặng 73.000 tấn, dài 217m, rộng 42m và cao 10m. Các đoạn hầm được đúc sẵn trên đất liền, sau đó vận chuyển bằng sà lan, nhấn chìm và lắp ghép tại đáy biển ở độ sâu 40m.

Dự án này được kỳ vọng tạo ra tác động tích cực đến cả hai quốc gia, thúc đẩy thương mại, du lịch và hợp tác khu vực. Với chi phí xây dựng khoảng 7,1 tỷ USD (hơn 180 nghìn tỷ đồng), Fehmarnbelt Fixed Link là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu, đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực kỹ thuật và phát triển bền vững.

Fehmarnbelt Fixed Link không chỉ là một kỳ quan kỹ thuật mà còn là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế. Khi hoàn thành vào năm 2029, đường hầm sẽ thay đổi cách thức di chuyển giữa Đan Mạch và Đức, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giao thông toàn khu vực. Với tuổi thọ dự kiến ít nhất 120 năm, đây sẽ là một di sản đáng tự hào của ngành xây dựng hiện đại.