Giấc mơ làm việc 4 ngày/tuần gặp khó: Vì sao người lao động Nhật Bản vẫn nghiện 'cày cuốc', ngại nghỉ ngơi?
(Thị trường tài chính) - Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách chuyển đổi mô hình làm việc, nhưng việc thay đổi thói “nghiện việc” của người dân đang gặp phải nhiều khó khăn.
Nhật Bản đang thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng tuần làm việc 4 ngày, nhưng những nỗ lực đó phải đối mặt với những thách thức lớn ở một quốc gia nổi tiếng với văn hóa nghiện công việc.
Theo CNBC, Chính phủ Nhật Bản gần đây đã khởi xướng chiến dịch "cải cách văn hóa làm việc" nhằm thúc đẩy chế độ làm việc linh hoạt, giờ làm việc ngắn hơn và giới hạn thời gian làm thêm. Để khuyến khích sáng kiến này, Bộ Lao động Nhật Bản bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp và dịch vụ tư vấn miễn phí.
Động thái này đánh dấu nỗ lực đồng bộ hơn nữa của Chính phủ sau khi sáng kiến tuần làm việc ngắn hơn được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, quy định này hiện vẫn chưa bắt buộc và chưa được nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động đón nhận.
"Lý do người Nhật làm việc nhiều giờ là do ảnh hưởng từ các yếu tố văn hóa và xã hội, những điều không thể thay đổi nhanh chóng", Tim Craig, người đã dành hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu tại các trường kinh doanh hàng đầu ở Nhật Bản, cho biết.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ước tính, chỉ có khoảng 8% công ty ở quốc gia này hiện cho phép nhân viên nghỉ 3 ngày trở lên mỗi tuần.
Chuyên gia Craig giải thích, người Nhật coi trọng công việc vì họ có xu hướng xem đó là "một phần tích cực của cuộc sống", nhưng áp lực xã hội cũng đóng một vai trò nhất định.
"Nếu họ về nhà sớm, đồng nghiệp sẽ nhìn họ với ánh mắt phán xét và có thể phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng công việc mà họ để lại", Craig nói thêm.
Bên cạnh đó, Martin Schulz, chuyên gia kinh tế chính sách tại Fujitsu, tiết lộ rằng chốn công sở cũng thường là nơi mà hầu hết người Nhật có tương tác xã hội nhiều nhất. Do đó, nhân viên thường sẵn sàng ở lại lâu hơn để giúp đỡ nhóm và tham gia các buổi ăn đến tối muộn với công ty.
Ông nói: "Trở thành một phần của công ty gần như được coi là tiêu chuẩn của cộng đồng và điều này thường dẫn đến xu hướng làm việc dài ngày hơn".
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế nước này đã công bố báo cáo thường niên về tình trạng giờ làm việc quá dài của Nhật Bản, cho thấy mối liên hệ giữa vấn đề này với bệnh trầm cảm và hội chứng karoshi (làm việc đến chết).
Thống kê năm 2022 chỉ ra khoảng 2.968 người ở Nhật Bản đã qua đời do karoshi, tăng so với con số 1.935 vào năm 2021.
Hiroshi Ono, giáo sư về nguồn nhân lực tại Đại học Hitotsubashi, nhận xét: "Tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ cần thời gian để tuần làm việc 4 ngày trở nên phổ biến, chúng tôi không quen với phương thức làm việc linh hoạt như vậy".
Theo CNBC